Mimosa và những cung đường đầy nắngAdmin 1034Truyện Ngắn |
Tôi lại đón em như cái sớm cách đây ba năm trước, hờn giận nào rồi cũng sẽ qua, miễn tim còn muốn yêu, thật nhiều…
“Mimosa vàng trong chiều rất xanh
Đà Lạt buồn không khi em một mình
Cuối con đường về bước chân lặng lẽ
Anh về đâu cuối cuộc hành trình?”
(Cao Cẩm Vân)
Quán cũ, người cũ, và những câu chuyện cũ…
Tôi ngồi lặng hồi lâu trước hai ly cafe đã nguội ngơ nguội ngắt trong cái lạnh hơi giá buốt của sáng Đà Lạt vắng người qua lại. Thành phố mùa này đẹp hơn thường lệ, những con đường trồng mimosa đang mùa bung nở. Những nhành hoa mang sắc vàng xếp lại với nhau và trải dọc lối đi dẫn vào căn nhà nhỏ với khuôn viên xinh xắn như những dải nắng mơ màng, vàng ươm ấm áp xua đi phần nào cái lạnh của Đà Lạt trong một sớm nhiều mưa thế này.
Lạ! Tôi vốn gắn bó với nơi này như là máu thịt và cũng chẳng bao giờ cảm nhận được cái lạnh buốt nhói khi nhìn vào những nhành mimosa mang sắc vàng ấm áp. Vậy mà bây giờ, nhìn mimosa vẫn thấy lạnh run, cái lạnh len lỏi lùa qua chiếc cổ áo khoác đã kéo cao kín mít, lan xuống ngực rồi cứ mơn man ở đó mãi không đi. Tôi thoáng rùng mình, hay tại xa Đà Lạt lâu quá? Đâu có, mỗi đợt công tác hay xuống Sài Gòn chạy tin viết bài cùng lắm chỉ năm Mười ngày, tôi lại về đây để khám phá lại mình…
- Anh ơi!
Tôi bất giác ngẩng đầu, nụ cười chân phương của cô bé phục vụ bàn chợt kéo tôi ra khỏi mớ cảm xúc hỗn độn.
- Sao anh gọi hai ly cafe khi đi một mình?
Tôi ngó quanh, thì ra quán chỉ còn lại tôi sau màn mưa đã dứt từ lâu và trời bắt đầu hâng hẩng ánh mặt trời, Đà Lạt bốn mùa vẫn vậy, thời tiết dễ chịu dù thay đổi liên tục trong ngày. Tôi bỏ lửng câu hỏi đầy tò mò, và cô đơn, tôi đoán vậy, cô bé đó giống tôi. Cầm theo bao thuốc và từ từ đứng dậy, tôi ngẫu hứng cười một cách vô thức:
- Tôi sẽ kể cho cô nghe sau!
Nói đoạn tôi bước ra khỏi, bất chợt vỡ ra điều gì từ câu hỏi mình từ chối trả lời ban nãy, tôi lắc đầu tự cười mà thấy lòng trống trải. “Thì ra…mình thiếu vắng”.
Tôi trở về với con đường ngập trong sắc vàng của mimosa, con đường không quá dài nhưng tản bộ hết con đường đó trước khi bước vào nhà trong những lúc mệt mỏi, tôi thấy lòng mình nhẹ lại. Đã là quá trưa, vạt mưa đi qua nhường chỗ cho những tia màu vàng trong mỏng mảnh. Màu nắng hoà chung khiến sắc vàng mimosa thêm phần trong trẻo, đẹp đến ngây người. Tôi chợt nhận ra từ rất lâu, có một người thay tôi yêu lại màu sắc của những bông mimosa ấy. Còn tôi, yêu cô ấy bằng tình yêu đã từng dành cho mimosa của những ngày tháng cũ nhưng khác hơn. Cũng trong trẻo nhưng nồng nàn hơn.
Những ngày rảnh rỗi tiếp theo tôi không đến quán cafe quen thuộc ấy, ngại người ta thắc mắc sao đi một và vô tình hay hữu ý gọi hai cafe, ngại cái nhìn đăm đắm của cô bé phục vụ bàn, ngại câu chuyện hơi lỡ dở phải lôi ra kể lại,… Tôi ở nhà, trong căn gác có gắn chiếc loa con con chỉ phát nguyên nhạc Trịnh, giọng Hồng Nhung vờn ca từ như nước mỏng, nhẹ mà sao siết lòng người đôi lúc đến quặn đau. Vẫn pha hai ly cafe theo thói quen, cho một người, tôi đợi…
Tôi bề ngoài hay dù cố tỏ ra thế nào nhưng khi một mình lại lộ rõ những thói quen của một người hướng nội. Nhạc Trịnh đã đưa tôi đến bên em và không hiểu cớ gì, đột nhiên hờn dỗi rồi xa nhau. Những ngày về không có em đi cạnh trên con đường ngập mimosa vàng đã, đang và có lẽ sẽ trôi tuột qua vô định…
3 năm trước…
Huế, gác Trịnh, quán mới, người mới và những câu chuyện mới…
Tôi có một ngày vi vu Huế trong chuyến công tác ngắn ngày. Nghe giới thiệu từ người bạn về Gác Trịnh, cái tên nghe hơi Hoài cổ thu hút tôi tắp lự. Tôi đến Gác Trịnh một chiều tháng bảy Huế mưa dầm. Một quán cafe, à không, là thế giới của Trịnh. Tôi bắt đầu mỗi lương duyên với nhạc Trịnh từ đó, vì một cô nữ sinh mới tốt nghiệp cấp 3, thật lạ! Có lẽ lương duyên với những con người đến trong cuộc đời luôn được tạo hoá sắp đặt một cách ngẫu nhiên nên thường lạ, và phải chăng khó bền?
Một gã phóng viên lang thang cùng trời cuối đất, đển Huế lần thứ mấy vẫn không thể quen với chất giọng của những người dân nơi này. Vậy mà gặp em, người con gái đẹp nguyên sơ, đúng cái chất dịu dàng của Huế, tôi không cảm thấy khó khăn khi nghe cái chất giọng đặc trưng vì nó rất nhẹ. Một điều lạ hơn, em có mặt tại nơi này, một cô bé tuổi đời còn rất trẻ đến một chốn dành cho những kẻ từng trải, phiêu lãng, và cô đơn. Tôi bấy giờ cô đơn thật, nhận ra sự lạ nhờ bộ áo dài đồng phục cô gái ấy mặc, tôi hỏi lơ đễnh khi đứng cạnh em ở ô cửa kế bên hướng xuống con phố nhỏ:
- Cô bé còn đi học sao?
- Đây là lần cuối cùng em mặc bộ áo dài này. Cuối tháng vô Đà Lạt để chuẩn bị nhập học.
Mắt tôi sáng rỡ, không hiểu sao mình hào hứng lạ kì.
- Cô bé thích nhạc Trịnh sao?
- Mẹ em hát nhạc Trịnh chỉ thua Hồng Nhung chút thôi. Quen rồi, từ năm lên ba dù chưa mấy hiểu. Không nghe là buồn lắm.
Chúng tôi bắt chuyện với nhau như thế và nói quen mệt về Trịnh, về cuốn sách mới nổi tiếng mới ra.. . Mãi chiều, tôi mới rời đi cho kịp chuyến bay cùng số điện thoại và lời nhắn để lại:
- Nhớ gọi cho anh khi vào đến nơi!
Tôi bất chợt nhận ra, người ta đến đây còn để quên buồn và tìm tri kỉ…
Tôi trở về Đà Lạt, bắt tay vào trang trí lại căn gác nhỏ đã bỏ bụi từ lâu. Góc nhỏ đó trong nhà, lúc còn ở Việt Nam mẹ tôi thường đứng ngóng trông ra cung đường ngập nắng hoà cùng sắc hoa mimosa như mơ, như thực phía ngoài căn nhà nhò. Mẹ đã dành cả cuộc đời trông ngóng theo cách đó, người cha bội bạc của tôi, ông cũng yêu mimosa nhưng cái sắc màu vàng mơ của loài hoa ấy, cả tình yêu và sự hi sinh của mẹ, cả chị em tôi không kìm được ông – con ngựa bất kham thích chạy theo những cuộc tình luôn mới, mẹ bảo vậy, rất nhiều lần và thường mỉm cười chua xót. Tôi để chị đón mẹ sang Pháp một phần vì những nụ cười như thế. Tôi đi nhiều, sợ mẹ ám ảnh hơn về miền dĩ vãng không vui.
Tôi thay những đĩa nhạc mẹ hay nghe, chiếc loa được tút tát lại và thay đổi vị trí để ở góc căn gác bên dưới ánh đèn vàng ấm áp. Mẹ cũng thích nhạc Trịnh nhưng là Khánh Ly của những ngày quá vãng. Còn em thích Hồng Nhung, ngọt ngào và đằm thắm hơn, hợp với em hơn…
Em tìm đến vào một sáng Đà Lạt mưa lất phất, mùa mimosa chưa kịp phai sắc. Tôi thấy em ngỡ ngàng đứng trước cổng nhà, còn tôi, ngỡ ngàng trước em – người con gái tôi mới chỉ gặp một lần duy nhất ấy sao mà thân thương lạ. Vẫn cái chất giọng Huế ngọt ngào đặc trưng thoảng qua như gió, vẫn cái ánh mắt trong trẻo đựng chứa cả một trời thương. Tôi đón em trong vòng tay vội, ngỡ như tình yêu chỉ chờ có cơ hội này để được lên tiếng. Nỗi nhớ mơ hồ chất chứa bấy lâu bỗng được dịp vỡ oà, bất ngờ như một sớm ở Đà Lạt, mở cửa tản bộ ven con đường nhỏ mà loá mắt trước sắc vàng mimosa đã bung tỏa tự bao giờ.
Em yêu luôn mimosa kể từ sáng đó. Thấm thoát cũng ba mùa mimosa kể từ ngày tôi được cầm tay em, tại chốn này, trên những đồi thông bạt ngàn gió, dưới thung lũng tình yêu có biết bao cặp mắt nhìn nhau sóng sánh men tình, bên thác Italy đẹp nguyên sơ, hoang dại và trên cả cung đường này nữa, cung đường đầy nắng ngập cả sắc vàng mimosa… Màu hoa cả tôi, cả gia đình tôi, cả em đều rất mực yêu thương. Rốt cuộc nó đã chẳng đem lại hạnh phúc cho mẹ tôi, còn với tôi, có lẽ nào cũng không thể được?
Lúc mới quen em, tôi không có ý định cho em biết về những hồi ức không đẹp nhuốm vàng như sắc mimosa trước cổng nhà, ấy vậy mà không giấu được. Em không ép, là tôi đã tự khai sau những câu hỏi nhắc nhớ đầy chủ ý…
- Ngoài anh ra còn có ai thích mimosa đến vậy?
- Có!
- Ai vậy anh?
Tôi chặn câu hỏi của em bằng một nụ hôn bỏng rát, không hiểu sao nước mắt tự nhiên ào ra mặn đắng. Tôi nghe lòng mình nhẹ lại, đã bao lâu tôi không có một chốn để tim mềm yếu, hốc mắt như lõm sâu hơn vì mệt mỏi, đôi chân lang bạt làm căng ra những xúc cảm vốn vẫn cần để dung hoà, thỏa hiệp cùng nỗi cô đơn…
- Sao anh lại khóc? – em hỏi, đôi mắt đăm đắm làm tôi mềm yếu. Tôi ghì chặt em hơn, khe khẽ thì thầm:
- Người đó đã bỏ tuổi thơ anh dù…ông ấy từng yêu cái chốn này và mimosa một cách cuồng si!
- Em…sẽ không làm như thế!
Tôi tin câu nói đó của em, hoàn toàn tin tưởng, chỉ tại tôi ngây dại, cứ vô tình đẩy em rời xa mãi. Lúc này tôi hoang mang, sợ, rất sợ…
Em bắt nhịp thói quen cũ trong căn gác nhỏ nhà tôi. Chiều lên giảng đường về, em hay thích đứng cạnh ô cửa duy nhất trong căn gác nhỏ ngập ánh đèn ấm áp, nhâm nhi ly cafe tôi pha sẵn, nghe Hồng Nhung hát Trịnh và…hướng mắt chăm chăm ra con đường trồng dọc rất nhiều mimosa ấy. Tôi bất giác thấy sợ. Bóng dáng ấy của mẹ cách đây nhiều năm trước luôn gợi nhắc đến sự chia lìa, gia đình tôi đã tan đàn xẻ nghé vì cái thứ cha gọi là tình yêu với một người đàn bà khác, để mặc mẹ tôi vật lộn với khổ đau và chị em tôi bơ vơ, lạc lõng.
Những lúc thấy em như vậy và ý nghĩ đó mới nhen lên trong trí óc, tôi thường ôm chầm em từ phía sau với cái tâm thế của một đứa trẻ vừa giành giật được đồ chơi của người khác và ngay lập tức lo sợ nó sẽ không còn là của mình. Thực sự nó hơi nực cười nhưng không dưới một lần tôi thấy mình như vậy. Chợt nhận ra dù có trưởng thành và từng trải cách mấy thì trước tình yêu, mình vẫn là một đứa trẻ ngây dại không hơn, không kém với tình yêu của chính bản thân mình.
Dường như em luôn cảm thấy nỗi lo sợ của tôi và thường biết cách thu mình vào bé bỏng để tôi vỗ về. Tôi có thể đoán ra vì khách quan mà nói trong nhiều mối quan hệ, em là một cô gái bản lĩnh. Phải, bản lĩnh và cá tính vô cùng. Những người con gái như em, tôi biết nhiều, đồng nghiệp của tôi phần nhiều như thế nhưng tôi không gắn bó cùng ai. Họ có đủ cả, nhan sắc, sự nghiệp, sự từng trải và hiểu thấu…vấn đề nằm ở nơi tôi, dù cùng song hành nhưng tôi lại khôn thể nắm bắt họ, đã không dưới một lần tình cản tan vỡ theo cách đó. Chỉ có em là người duy nhất cho tôi cảm giác an toàn, có thể gắn bó bền chặt. Thật lạ! Một người đàn ông tìm cảm giác an toàn trong vòng tay người phụ nữ mình yêu. Tình yêu vẫn luôn là những điều lạ kì được tạo hoá sắp đặt, tôi đã thôi tìm lí do cho những điều kì lạ đó.
Cuộc đời gió giông cho tôi cái vẻ ngoài từng trải và ương ngạnh nhưng cả một quãng tuổi thơ rất dài đã khứa trong tim tôi một rãnh sâu không gì bù đắp nổi. Tôi vẫn luôn luôn yếu mềm và sợ hãi như đứa trẻ trong thế giới của riêng mình. Nỗi sợ hãi đó cả mẹ tôi, cả chị tôi đều không thể khỏa lấp dù có cố gắng cách mấy đi chăng nữa. Sao có thể, chính họ cũng như tôi, luôn gồng mình che đi nỗi sợ hãi ẩn sâu để an ủi người bên cạnh: Đừng sợ! Một câu nói vô tác dụng khi chính họ chẳng thể xoá đi nỗi sợ hãi của chính bản thân mình.
Duy nhất chỉ có em xoá được nỗi sợ hãi trong tôi. Có lẽ em can đảm hơn tôi tưởng tượng. Hoặc chăng tuổi đôi mươi em may mắn không để bất cứ nỗi sợ hãi nào xâm chiếm quá lâu nơi mình nên cái cách em nói tôi: Đừng sợ! cũng tự nhiên thuyết phục hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn, tôi yêu em, vậy mà…Đúng thật người ta thường chỉ nhận ra sự quan trọng của một người khi người đó, bằng cách này hay cách khác không còn bên ta nữa.
...