VẾT SẸO - Những truyện ngắn hayAdmin 1185Truyện Ngắn |
Nguyện, tay cầm giấy báo đỗ đại học, run run, lén lút lui vào xó nhà, đóng cánh cửa buồng lại khẽ khàng. Nhác thấy bóng cái nón của mẹ nhấp nhô ngoài sân qua cửa sổ, Nguyện cúi đầu, sập luôn cái màn che cửa, gục đầu xuống gối, sụt sùi. Mặt áp vào chiếc gối mỏng tang, nó nghiêng đầu sang góc học tập gọn gàng cạnh một mảng tường nứt như muốn vỡ ra, giăng giăng mạng nhện mà vừa mấy ngày đây thôi mẹ đã sắp xếp lại cẩn thận.
12 năm đèn sách, nó không phải quá giỏi để nhận được học bổng, nên đã cầm chắc trong lòng nay mai sẽ lại còng lưng lăn lộn với vùng đất khô cằn của quê hương. Nó đã từng học hết mình, học ráo riết, bởi mẹ nó, mỗi lần ngồi tám chuyện với mấy bà hàng rau hàng thịt: "Con cô A, cố B gì gì hôm qua lại cắm nốt cái xe A-ti-la trắng đẹp nhất làng rồi. Ái chà bây giờ bọn trẻ hỏng bét, hỏng bét", hay:"Ấy ấy, mấy thằng ranh kia học đâu cái thói xấu xa của thiên hạ, đua đòi phết, thừa tiền mà tóc đỏ với chả tóc xanh, thế này thì vào đại học sẽ thành cái gì chứ! Con tui á, dạy bảo nó kĩ như thế chứ mai mốt không biết lo tiền nhỡ may nó vào đại học nữa là lo tiền ăn với chả chơi,...". Cái từ "nhỡ may" ngấu nghiến từng khúc ruột cái Nguyện, giờ thì thật rồi, biết làm sao!
Nó không quan tâm bọn thanh niên trong làng ăn chơi thế nào. Vừa đèn sách vừa phụ mẹ việc đồng áng, hàng hóa cũng đủ lấy đi vẻ cường tráng mạnh mẽ của một thằng đàn ông. Nhất là cái nắng mùa hạ này, làm nó tiêu tan, tóp tép như hạt lạc thối phơi trước hiên nhà. Mẹ Tư nhà nó tham công tiếc việc, càng làm nhiều càng dễ mất mùa, mình mẹ gánh đâu cho hết. Thỉnh thoảng mẹ đi làm đồng về, xuýt ngay cái nón vào xó nhà một cái "Vèo", ngồi đệt xuống chõng, xắn cái quần nái đến tận bẹn, vuốt đầu tóc rũ rượi rồi hai tay đưa lên trời, vừa đạp xuống chõng vừa than vừa khóc: "Ông trời ông cứ làm khổ tôi mấy mùa mấy kiếp rồi!"
Cu Ngạn mới lên tám, dại dột chẳng biết gì, những lúc ấy chỉ chực đứng bên mẹ cầm cốc nước chè xanh cho mỏi nhừ tay đến lúc mẹ làm một ngụm hết sạch. Đã vài lần nó bưng cái cốc vào nhà, mắt long lanh, miệng méo xệch nhìn thằng Nguyện, méo mó: "Mẹ lại đánh em"
Mẹ Tư thương cái Nguyện và cái Ngàn, thương nhiều lắm, chúng nó hiểu không đủ thì có làng xóm hiểu cho. Cả làng thương mẹ Tư với hai thằng khi chúng còn chưa rời tã. Mẹ Tư ru con thì cả làng nghe, mẹ Tư chăm con, đảm đang thì phải biết, mẹ Tư tự hào về con, cả làng cũng vậy, vì chũng ngoan phết. Nhưng mẹ Tư đánh con thì chẳng ai hay, có chăng là bà nội chũng. Nhưng bà chỉ biết ngồi nhìn, nghĩ miên man và mông lung.
Cha nó biệt tích ngót đã được 15 năm - thời gian đủ dài để dồn một đống thắc mắc cho con trẻ và làm chai sạn, sần sùi những con người giờ chỉ còn biết lo cái ăn như mẹ nó. Thằng Nguyện sống với những suy nghĩ vật vờ trước những người bạn cùng lứa trong làng, chúng có cha. Buổi chiều, vòng tay của những người đàn ông dắt con từ trường về, với ánh nhìn nghiêm trang đầy mạnh mẽ của người cha,... là những gì Nguyện chỉ có thể đứng nhìn với con mắt đói tình cha, thèm thuồng đến toát cả mồ hôi. Hồi đó, có nhiều lần những câu hỏi bâng quơ chạy lòng vòng trong cái đầu con trẻ của Nguyện, chực tuôn trào trước mặt mẹ cho rõ ngọn ngành. Đó là những đêm rục rịch cái đầu bé tẹo trong lòng mẹ, Nguyện thủ thỉ: "Mẹ Tư ơi, cha đi rồi sẽ có ngày về, phải không?" thì bị đét một cái vào mông: "Ngủ đây mầy". Những chiều còng lưng cùng mẹ phơi thóc, thỉnh thoảng nó buột miệng: "Có cha giúp cho một lưng chắc mẹ Tư chẳng phải mệt thế này", Nguyện dại dột nói như không, chẳng biết rằng nước mắt mẹ tư lã chã xuống sân tự lúc nào rồi bay hơi cùng cái nắng dã man nốt.
Hồi ấy cái Nguyện thân nội nhất đời, bởi nội dễ chơi, tính cũng hay cười cười, cái đầu thích gật gù như con nít, suốt ngày chơi hết trò ấu thơ với Nguyện. Mà thằng nhỏ đâu biết rằng nội nó bị điên, trở chứng ngay từ lúc bố nó bỏ mẹ Tư ra đi biền biệt. Ngày ấy, bố nó cũng trai tráng đẹp mã, buôn bán cũng thuận hòa, cũng ăn nên làm ra, nhưng tính tình nóng nảy làm khổ mẹ Tư nhiều. Hồi ấy, nhà nó ồn ào lắm, nó không biết, không biết luôn những lần bố Nguyện rủa mẹ, đánh mẹ không thương tiếc. Đó là những lúc nội giữ Nguyện khư khư trong lòng. Cái sẹo hình trăng khuyết như một minh chứng rõ ràng, hằn sâu, đau đớn trên tay trái Nguyện. Buốt nhức, từ cổ tay lan tận vào thâu tận vào trái tim ngây thơ bé bỏng. Ngày đó, cha hơi men thì lại đánh mẹ, Nguyện như con cóc nhảy bổ vào ôm mẹ Tư, nhận luôn phát liềm cha Nguyện cầm đăm đăm, sướt qua da nó mà nội nó với chẳng kịp. Rất buốt! Từ đó không hiểu sao nó quên mặt cha luôn - người đàn ông mà Nguyện ít lần được bồng bế, chỉ gặp cha khi trời đã tối mù, và nghe những tiếng mắng nhiếc dai dẳng cho đến khi gà gáy. Kể ra, những chai rượu cha Nguyện ngồi ôm mỗi đêm gom góp lại cũng đủ vài đồng bán đồng nát cho mẹ Tư...
Hồi đó, cái Nguyện lon ton theo bà, luôn được bà dắt đi chơi, là những lần bà nắm lấy tay nó, khiến nó hơi cáu, rồi cứ luôn miệng hỏi: "Cái Tí, cái Hà không đứa nào tay xấu như Nguyện cả, sao cái sẹo này mỗi Nguyện có thôi! Xấu xí quá!". Những ngày cha nó vừa rời nhà đi, nó chừa, sợ không dám hỏi mẹ nữa, chỉ thích ngồi vào lòng bà: "Cha Nguyện đi đâu lâu quá vậy nội?" Nội lại cười:"Nước dừa thôi", nội già rồi, hơi bị lảng tí, Nguyện càng ngây thơ hỏi lại, nội càng khăng khăng: "Cha mầy thích nước dừa hơn cả trà xanh đó!". rồi nội chỉ tay vào cây dừa cao cao trước hiên nhà, dán mắt vào đó một hồi lâu. Nguyện cũng ngước cái đầu bé tẹo lên thân cây cao nhỏng mất hết sức sống, lá vàng xen lấn lá xanh, mà nhoi mãi chẳng thấy quả dừa nào.
Ngày nay, cây dừa vẫn cắm rễ sừng sững ở đó, dừa đã trĩu những quả xanh mướt và tròn chắc, để trơ lại những tán lá yêu ớt, vàng vọt.
Trưa hôm ấy, bị giục mãi Nguyện mới dám rón rén ngồi vào mâm cơm, bước chân nó như đang cản lại muôn ngọn gió dữ. Mệt nhoài và uể oải. Cai Hà-bạn thằng Ngàn có lon ton sang chơi, chúng hết vật tay, chơi đồ lề mẹ con,...Những cọng rơm cái Hà đan lại thành một bộ tóc búp bê vàng óng khiến cu Ngàn thích thú ôm bụng cười nắc nẻ. Đến bữa cơm, chũng vẫn ríu rít bên nhau. Cu Ngàn thương cái Hà ngồi bên thì gắp cho miếng chả giò mẹ vừa lặn lội lên chợ tỉnh mua. Tất nhiên, nó ăn luôn một đũa vào tay từ mẹ Tư. Đau điếng, nó rụt tay xoa xoa, nhìn cái Hà mà cười hì hì, con bé méo mặt, đi về. Nguyện chẳng nói chẳng rằng, người đờ ra như vừa bị ma cướp hồn, nghĩ sao nó gắp luôn miếng chả giò còn lại trên đĩa của thẳng em nó. Cu Ngàn thương anh, nó thèm nhưng chả dám nói, chỉ nghĩ đến cái đánh bằng đũa của mẹ nó đã sợ khiếp rồi. Mẹ Tư vẫn ngồi điềm đạm, nhìn bàn tay con còn sâu vết sẹo, mà nghẹn cả cổ, không dám đánh. Bất thần, mẹ Tư thả bát đũa xuống nhìn khôn mặt tái tê của Nguyện: "Trật à con!"
Nó lúng túng, đứng dậy, đi vào buồng mà ôm mặt, áp vào gối. Mẹ Tư nhìn cái lưng dài gầy gầy, còng còng của con liêu xiêu khuất dần sau cánh cửa buồng thì cầm nguyên bát cơm úp ngược xuống mâm cái "Sầm", làm cái Ngàn rung bật hai bờ vai. Với cái điệu bộ cũ, mẹ Tư đập vai xuống chõng mà than mà khóc. Như bị mắc cạn trong cái ổ tò vò, mẹ Tư vò đi vò lại tấm áo ướt nước mắt, rồi lại lấy tấm khác mà lau, mà than: "Không lẽ con tôi cũng chẳng khác gì bọn thanh niên trong làng?" Ông trời lại làm khổ tôi rồi, nó đi đường nào ông cũng chặn được. Trời ơi là trời!!!". Nội ngồi một bên, không hiểu chuyện lắm, đăm đăm nhìn lên những quả dừa trên cao, khoảng hiên trước nhà như lùi xa, những tán dừa trở nên cao vút, xa xăm, khó với lấy.
Sáng sớm hôm sau, Nguyện cọc cạch chiếc xe đạp, nhấp nhổm đằng sau lứa gà còi cọc ra đầu xóm ngồi bán. Nó chẳng thèm đoái hoài ánh mắt nghi ngại của bọn đồng lứa trong làng. Cụp nón, nó quay mặt đi thẳng.
Nhưng, nếu không có buổi sáng hôm ấy dắt gà ra chợ, chắc nó sẽ không biết cái tin đáng giật mình rằng cha nó, nghe đâu, đang làm ăn công tác lại Đà Nẵng. Dẫu là "nghe đâu", nhưng thằng Nguyện gật gật tin liền "Hẳn là vậy-nó nghĩ-chú Hào trong làng mới từ Đà Nẵng ra, không thể lừa nó được". Trưa về nhà, nó coi chừng vội vã lắm, liệng ngay cái nón vào xó nhà y hệt như mẹ Tư, Một mạch lao thẳng vào buồng. Nó lục lại tờ giấy báo, vẫn rõ ràng từng khuôn chữ: "Đại học Kinh tế Đà Nẵng". Cầm chặt tờ giấy trong tay, Nguyện hớt hải, dáo dác tìm cái bóng gầy ốm của mẹ trong vườn, nó giơ cáo tay cầm tờ giấy báo, vẫy vẫy:
- Nguyện thẳng tiến vào Nam đây, ới mẹ Tư! Nguyên sẽ vừa học vừa kiếm sống. Nguyện sẽ không để mẹ Tư khổ cả đời!
Mẹ Tư đứng đó, quẳng luôn cái liềm cắt cỏ, phải đứng im như một pho tượng trên lò nung một hồi lâu,...rồi thở dài, xúc động.
***
Nguyện mỏi mệt, trở mình trên cái giường mà nhiều người bất đắc dĩ cịu lấy vé chui lên xe buýt. Thật muốn ngộp thở trong khoảng không gian quá hẹp, rủi mũi ai cao, đụng trần là cái chắc. Nhưng thân người Nuyện vẫn tự xoay xở được. Ở trên cao, nó vô tư nhìn thiên hạ. Ít khi nó trải qua cảm xúc nằm bẹp trên những chuyến xe ngược xuôi.
Trời chưa chịu sáng, trong khi sự trở trăn của Nguyện không đợi thêm được nữa. màn đêm vẫn nằm yên, bất động, nuốt chửng và nhấn chìm mọi thứ. Chiếc xe vẫn mệt nhọc dằn mình trên con đường vẫn vương vất ổ gà của thị trấn để tìm kiếm ngã rẽ phẳng lặng trong lịch trình của nó. Những rặng xi lau thân thuộc khuất xa dần, bờ cỏ cao bên đường phất phơ và ánh lên màu bàng bạc, lưa thưa của mái tóc nội. Nguyện sợ nó sẽ bỏ lỡ những bình minh, cái khoảnh khắc con người tỉnh dậy với những nỗi niềm uể oải, chua xót cho ngày hôm qua, và ngày hôm qua nữa. Khi quá khứ mất tăm, kí ức chui vào ngủ yên lành trong một chiếc hộp. Nó nằm yên, bất giác ứa nước mắt ra, rồi lại vục đầu xuống gối thấm đi thứ chất lỏng làm cay xè đôi mắt nó. Nó cũng không biết mình đang nhìn cái gì nữa, vô định và mông lung. Chỉ biết những phút giây đó,...hoặc từ phút giây đó trở đi, ngọn đuốc âm ỉ trong đôi mắt chàng thanh niên trẻ, sẽ phải tự châm ngòi, đốt cháy để tự rọi đường cho cái bóng đơn lẻ của nó. Nguyện vẫn cùng dòng chảy của chiếc xe trùng trình, cong người như một dấu chấm hỏi khẳng khiu đầy bỡ ngỡ, khúc mắc - dấu chấm hỏi của những câu hỏi đầy bất tận, hun hút chạy theo chiếc xe trên suốt chặng đường dài...
Và, nếu cái đêm ấy Nguyện say sưa chìm trong một giấc mơ bòng bềnh nào đó thì có lẽ chuyện sẽ khác.. Cái giường nằm đối diện nó trơ trọi một người đàn ông "đủ" gầy để nằm gọn được vào chỗ khó chịu như nó. Cái dáng nằm hơi co của người đàn ông trung niên làm Nguyện lúc đầu nghĩ đó là một thằng oắt nhỏ con. Tiếng xe ù ù choán hết mọi thứ âm thanh, trừ cái bóng đèn nhỏ mờ mờ lập lòe trên trần vẫn đủ sáng để rọi rõ cột xương sống sau tấm áo sơ mi mỏng của ông ta. Và trong tấm màn mờ mờ ảo ảo ấy hiện đâu ra một bàn tay với những cử động nhẹ nhàng, như đang mò mẫm, một cách khéo léo. Không phải bàn tay của người đàn ông ấy. Nhanh chóng nhận ra điều gì đó bất thường, cái Nguyện bất giác bật dậy như sóc, chộp ngay bàn tay bí ẩn, nhảy bồ vào ghì lưng nó xuống, vặn ngược cánh tay. Cũng là lúc cái ví dưới gối người đàn ông rơi xuống sàn. Và cũng là lúc cái Nguyện la lớn: "Cướp! Cướp!"
...