Disneyland 1972 Love the old s
  Game Blog Media Story
Top Game 2015
» »
Để hôn em lần nữa - Trần Thu Trang

Để hôn em lần nữa - Trần Thu Trang

Admin 4.5 sao trên 1024người dùng 1146
Truyện Dài


Đăng theo dõi mọi hành động của cô, và khi cô ra ngoài, anh chần chừ vài giây rồi cũng theo ra.

Quỳnh không hề biết mình đang có một cái đuôi bám theo nguy hiểm đến mức nào. Vẫn xách nguyên túi rác, cô cắp hộp bánh thừa tới phòng kỹ thuật. Vừa thấy cô thò đầu vào, Mạnh đã gọi ầm lên:

- Đức đẹp trai ra có người thăm nuôi kìa!

Đức ló đầu lên từ một góc đầy dây dợ, gương mặt nhăn nhó khó có thể trở thành ví dụ minh hoạ cho tính từ “đẹp trai” mà trưởng nhóm vừa gán. Anh chàng đi về phía Quỳnh, chưa kịp khép cửa đã chép miệng lầu bầu với cô:

- Hôm nay bên phòng em làm gì mà độc giả đổ vào kinh thế. Server quá tải làm bọn anh toát mồ hôi, chỉ lo sập.

- Thì toàn tin hot nhiều người chết mà! Bọn em còn không kịp đi ăn trưa – Quỳnh thở dài, cô chìa chiếc hộp trong tay cho Đức – Đây là quà em hối lộ bạn Pizza, anh cầm về nhé. Có ngại không?

- Ngại ơi là ngại ý chứ! – Đức chắp tay làm điệu bộ ngượng ngùng như thiếu nữ.

- Hay để em kiếm cái túi giấy đẹp đẹp gài nơ để anh giả làm quà?

- Thôi khỏi – Đức chồm tới giằng lấy cái hộp, mở ra nhìn – Trông ngon nhỉ! Thế mà chỉ cho chó thôi chứ người không được ăn à?

Quỳnh bật cười. Trước khi cô kịp nghĩ ra cách đối đáp tương xứng với câu hỏi nhảm nhí của Đức thì anh chàng đã lách vào sau cửa, nháy mắt:

- Hôm nào anh bố trí cho nó gặp em để cảm ơn nhé.

Không cần biết câu trả lời của Quỳnh, Đức đóng sập cửa lại, không chút lịch sự. Quỳnh chẳng lấy làm phiền lòng. Cô hợp với lối giao tiếp thẳng tuột thế này hơn là những kiểu cách lịch lãm giữ kẽ vốn vẫn thường thấy trong những thứ vẫn được coi là tình bạn giữa nam và nữ. Quay người đi dọc hành lang tới lối thang bộ, cô mở cửa bước xuống chỗ chiếu nghỉ, đặt túi rác xuống một góc mà các nhân viên quét dọn vẫn dành để tập kết những loại rác bán được rồi nhanh chóng trở lên. Nhưng Quỳnh chưa kịp chạm tay vào cánh cửa, nó đã từ từ mở ra, không phải vì gió thổi.

*

Đăng chỉ dám liếc sang khuôn mặt hơi xanh của người đứng cạnh một giây rồi đưa mắt lảng ra chỗ khác. Phòng họp rộng có vô số thứ để nhìn ngó. Dãy ghế im lìm, mặt bàn trống trơn, chiếc màn chiếu trắng tinh, bình hoa giả xỉn màu kê trong góc… tất cả chúng đều rất buồn tẻ, nhưng an toàn cho cảm xúc. Anh khoanh tay trước ngực, nghe giọng mình vang lên xa lạ:

- Em không thích mọi người trong phòng?

Cô rùng mình, chẳng rõ vì phòng họp quá vắng và lạnh hay vì câu hỏi quá thẳng thừng và đột ngột. Cô nhìn sang, cố đọc trong đôi mắt đang nhìn thẳng lên bức màn chiếu kia một chút gợi ý nào đó để nương theo mà trả lời câu hỏi, nhưng không thành công. Khi cô còn loay hoay giữa hai lựa chọn, phủ nhận cho phải phép xã giao hay thừa nhận cho đúng với suy nghĩ thật và lương tâm, Đăng đã nghiêm giọng:

- Không nói gì tức là không thích, đúng không?

- …

- Cho tôi biết lý do!

- …

- Cho tôi biết lý do! – Ngưng một giây, thấy Quỳnh vẫn không có vẻ gì là muốn cất lời, anh nói nhanh như vị quan toà kết án khi đã quá thừa chứng cứ – Em lúc nào cũng vậy, cư xử không giống ai, thái độ lì lợm, thiếu hoà đồng, luôn gây phiền phức…

Nghe đến lý lẽ cuối thì Quỳnh cảm thấy không thể không “bật” lại. Cô nhún vai, lời nói nghe có vẻ thật nhún nhường nhưng vẫn lộ ra chút cương quyết và bực bội:

- Tôi nghĩ mình không làm gì để bị coi là luôn gây phiền phức.

Thật vậy, cô chẳng gây phiền phức gì cả. Đúng là cô cư xử khác thường, nhưng cô đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành công việc cũng như lấy lòng đồng nghiệp. Không đi muộn về sớm, không chat chit facebook, luôn dịch và đưa lên đúng hạn kể cả khi có tin bài đột xuất…, cô thậm chí còn chủ động đỡ việc cho Cúc Anh và Lân, hai người hay bị nhắc nhở thúc giục nhất, khi họ chỉ vừa mới bóng gió than vãn đôi câu. Ngay cả biên tập viên phụ trách chuyên mục thường đăng bài dịch của cô, một nhà báo đã qua tuổi về hưu từ lâu, rất khó tính, kiệm lời và thường xuyên không có mặt ở toà soạn, cũng đã tìm vào tận bàn để tặng cô một cái vỗ vai khen ngợi. Thế nhưng, mặc cho cô có cố gắng đến mức nào, Đăng không bao giờ thèm ghi nhận. Anh ta chỉ nhìn mọi thứ cô đang làm hiện nay qua lớp sương định kiến đã bao phủ anh ta từ bốn năm trước và đến bây giờ vẫn chưa thèm tan. Quỳnh mím môi, sắp xếp nhanh những lời tự bào chữa. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thả chúng ra, Đăng đã ngoặt vấn đề sang một hướng khác hẳn:

- Em thích Đức, phải không?

Một lần nữa, Quỳnh rùng mình. Cô biết chắc anh ta sẽ lôi Đức vào câu chuyện nhưng không nghĩ câu hỏi lại… sỗ sàng và tọc mạch đến vậy.

- Tôi nghĩ đây là chuyện cá nhân – cô nói nhanh, không vấp nhưng cũng không thật mạch lạc.

Ý tứ của câu nói, thái độ quấy quá, bất hợp tác của Quỳnh khiến người đối diện nổi quạu:

- Tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác. Em chỉ biết bản thân em thôi hay sao? Trong toà nhà này còn có bao nhiêu người, em biết không?

“Còn đến một tỷ người đi nữa thì cũng không ai rỗi hơi tự nhiên lôi tôi vào đây tra hỏi nói năng vô lý như anh”, Quỳnh những muốn quăng thẳng câu ra đấy để đáp trả luận điệu chụp mũ của Đăng, nhưng cuối cùng, cô chỉ trình cho anh ta một bản rút gọn:

- Họ thì có liên quan gì đâu ạ!

- Sao không liên quan! – Đăng gắt gỏng – Em có biết em đang trở thành chủ đề cho người ta bàn ra tán vào không?

- Người ta nào? – Quỳnh cũng không ngần ngại đáp lại bằng giọng gắt gỏng không kém – Mà họ bàn tán cái gì cơ chứ?

- Cũng không có gì đặc biệt đâu – Đăng sục tay vào túi quần, mỉa mai – Chỉ là em xinh hay xấu, quê hay tỉnh, có xứng với Đức không, liệu bao giờ sẽ bị nó đá… vậy thôi.

Quỳnh hơi đờ ra, một lát sau mới mấp máy được một câu, không rõ là muốn nói một mình hay muốn hỏi người đối diện:

- Có nhất thiết phải ngồi lê đôi mách đến vậy không?

Đăng quay hẳn sang nhìn cô chăm chú, như muốn tìm hiểu xem mấy tiềng lầu bầu đầy bất bình kia nhằm đến ai. Đúng lúc đó, Quỳnh cũng ngẩng lên, và anh đột nhiên nín thở. Tại sao trải qua bốn năm với không ít phiền muộn, gương mặt cô vẫn còn giữ nguyên nét trẻ thơ khiến người ta mềm lòng như vậy? Gò má lấm tấm những đốm tàn nhang nâu nhạt, đôi mắt đen trong sáng chứa đựng ánh nhìn vừa bối rối vừa hoang mang của cô khiến Đăng cùng lúc cảm thấy lòng mình có cả lửa và nước, bồn chồn nóng nảy nhưng cũng rất êm dịu…

Cảm thấy mối đe doạ rõ rệt từ cái nhìn lạ mà quen của Đăng, Quỳnh nhích xa thêm một bước, đồng thời nhìn ra phía cửa như muốn tính đường tháo chạy. Giọng cô run run:

- Chúng tôi không có gì đâu. Chỉ là… chỉ là…

Đăng tự nhiên thấy buồn cười. Những cảm giác khó chịu vô cớ đeo bám anh từ sáng nay bỗng chốc tan biến cả, chỉ vì mấy câu lắp bắp chẳng đâu vào đâu của cô nhóc này. Anh rút trong túi quần ra một phong bì nhỏ dán kín, đặt lên mặt bàn rồi đẩy về phía Quỳnh:

- Em cầm cái này đi.

Phong bì làm bằng loại giấy dày và sần, muốn biết bên trong có gì, người nhận phải mở hẳn ra chứ không thể sờ hay soi ra ánh sáng rồi đoán. Quỳnh mới chạm ngón tay vào một góc định bóc thì Đăng đã khoát tay ngăn lại:

- Để lát nữa hãy mở… Ừm… tôi về phòng trước đây.

Nói xong những lời dịu dàng hiếm hoi ấy, Đăng quay người đi nhanh về phía cửa. Quỳnh không biết phải làm gì, cô như một nạn nhân vừa bị cướp giật ngoài đường mà không thể hô hoán hay truy đuổi, chỉ dùng cặp mắt ngơ ngác của mình dõi theo cho đến khi không còn thấy anh ta đâu nữa.

*

Một ngày làm việc mệt mỏi cuối cùng cũng kết thúc. Đăng rời cuộc họp giao ban cuối giờ sớm hơn mọi người. Những lời khen mà cấp trên dành cho nhóm tin quốc tế tuy rất dè sẻn nhưng cũng khiến anh cảm thấy dễ chịu đôi chút. Hôm nay có lẽ là một trong những ngày nhóm anh chịu sức ép lớn nhất kể từ đầu năm. Vừa phải chạy đua với thời gian để lên bài, vừa phải điều tiết thứ tự và độ dài các bài sao cho phù hợp với tình hình bài vở chung, lại còn phải đảm bảo độ chính xác và trung lập của từ ngữ trong những bài liên quan đến biến cố chính trị khá nhạy cảm của nước lớn láng giềng, ngay cả người đã quá quen với nhịp độ công việc khẩn trương như anh cũng muốn phát điên. Đám nhân viên trong phòng thì khỏi nói, người nào người nấy căng thẳng đến bơ phờ, thậm chí còn không đủ sức để kêu ca hay than thở lời nào. Nghĩ đến đây, Đăng tự nhiên nhăn mặt. Trong hoàn cảnh bận rộn bù đầu như vậy, khi tất cả đều dán mắt vào màn hình máy tính với vẻ nghiêm trọng giống hệt nhau như vậy, thật khó để đoán xem ai đang nghĩ gì!

Trước khi đầu óc Đăng kịp lan man thêm, Điệp đã đuổi kịp anh bằng bước chân dứt khoát và mùi nước hoa cổ điển của chị.

- Sếp khen hơi xách mé nhỉ! – chị nhìn anh ái ngại nhưng vẫn cố mỉm cười.

Phải mất một giây Đăng mới hiểu chị đang nói về chuyện gì. Trong cuộc họp vừa rồi, phó tổng biên tập khen nhóm tin quốc tế với giọng khá miễn cưỡng. Nếu chỉ nghe một cách hời hợt, chắc hẳn ai cũng sẽ có nhận xét như Điệp. Đăng thì hiểu sự tế nhị của cấp trên. Ông không muốn làm mất mặt, rồi sau đó là mất lòng, mấy biên tập viên phụ trách tin trong nước, những nhà báo lớn tuổi xuất thân từ những tờ báo in truyền thống. Nhưng anh không tiết lộ chuyện đó với Điệp chỉ mà trả lời chị bằng một cái nhún vai. Điệp hiểu ngay điệu bộ ấy chính là lời tuyên bố “không muốn nói thêm” của Đăng và nhanh chóng chuyển đề tài:

- Tối nay Đăng rỗi không?

Điệp hơn Đăng một tuổi nhưng hai người vẫn xưng hô ngang hàng theo thói quen từ trước. Nhiều khi anh nhận thấy chút gì đó tha thiết và dường như trên mức trìu mến trong cách gọi của chị. Những lúc như vậy, anh thường giữ thái độ không quá nghiêm nghị nhưng vẫn chừng mực, giống thái độ của anh lúc này:

- Mình cũng chưa biết nữa, chắc không có chương trình gì, sao thế?

- À, thấy Đăng hôm nay có vẻ oải nên định rủ đi massage chân rồi qua Seventeen nghe nhạc.

Đăng đưa tay lên vuốt mặt, kín đáo liếc nhìn vẻ chăm chú chờ đợi của Điệp. Chức vụ quyền thư ký toà soạn nhiều ưu đãi nhưng cũng lắm bấp bênh mà chị mới bắt đầu nắm giữ cách đây chưa lâu đã kịp để lại vài dấu tích, rõ nhất là hai quầng thâm trên mắt và những đường nét không nhân nhượng ẩn nấp trong từng góc khuôn mặt. Đăng nén tiếng thở dài, mỗi ngày qua đi, anh lại thấy Điệp xa lạ hơn một chút. Tránh nhìn thẳng vào đôi mắt quá ráo riết của chị, anh chậm rãi lắc đầu:

- Để hôm khác nhé… Giờ mình đang đau đầu quá, chỉ muốn về nhà.

Nếu như Điệp có phản ứng gì với lời từ chối của anh thì lớp phấn trang điểm mịn như sáp cũng đã che đi hết rồi. Chị gật đầu, mỉm cười máy móc:

- Được rồi, để hôm khác – Sải bước về phía cửa thang máy, Điệp nhoài người bấm nút rồi quay lại hỏi – Đăng về luôn bây giờ không?...
♥ Đánh dấu trang này
«1...1011121314...17»

SMS Google Facebook Twitter
Cảm nhận về bài viết
Cùng chuyên mục
» Hoàng tử Lạnh Lùng & Công chúa TomBoy
» Nếu có một linh hồn yêu em - Ngô Hoàng Anh
» Ký Ức Yêu - Kawi Hồng Phương
» Đồ tồi ! Tôi yêu anh - Nguyễn Bích Hồng
» Về nơi đáy mắt trong - Leng Keng
» Này anh! Tôi không phải là ôsin - Hà Cindy
1234567»
Bài viết ngẫu nhiên
» Về nơi đáy mắt trong - Leng Keng
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 9 P3
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 9 P2
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 9 P1
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 8
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 7
123456»