Game Blog Media Story
Top Game 2015
» »
Để hôn em lần nữa - Trần Thu Trang

Để hôn em lần nữa - Trần Thu Trang

Admin 4.5 sao trên 1024người dùng 1143
Truyện Dài


- Anh cứ cầm nó và coi đấy là thiệp cảm ơn của em, được không ạ? – cô nói nhanh, gần như hấp tấp.

Đăng không biết phải cau mặt hay cười sặc lên khi nghe những lời vừa giống nằn nì vừa giống mặc cả mà ngoài cô gái này chẳng ai có thể nghĩ và nói ra được . Anh đưa mắt ngó xung quanh để gạt đi những ý tưởng mơ hồ về một cái gì đó rất nồng, rất ngọt. Quán cà phê đã bị bóng tối xâm chiếm gần như tuyệt đối, nó càng lúc càng không phù hợp với những khách hàng không phải tình nhân của nhau. Nếu vẫn ngồi đây, trong ánh sáng lung linh hắt xuống từ những dây đèn trang trí nhỏ li ti giăng ngoài vỉa hè và trong những hồi ức cảm xúc lẫn lộn do từng cử chỉ lời nói của người ngồi đối diện đem tới, Đăng không dám chắc mình sẽ không hành động giống bốn năm trước, quăng sự tự chủ của bản thân đi xa hàng cây số! Khi ấy, anh có thể bảo là vì rượu, vì mưa rừng gió núi. Còn bây giờ, chẳng lẽ lại đổ lỗi cho nước hoa quả và điều hoà nhiệt độ hay sao?

Quỳnh len lén thở nhẹ. Dường như câu nói bừa bạt mạng vẫn thường bị mọi người trong nhà mắng là “vớ va vớ vẩn” của cô đã được chấp nhận. Lúm đồng tiền vừa lặn đi khỏi một bên má của người có gương mặt cute chỉ kém Hyun Bin một chút giờ lại hiện lên, sâu hơn. Cô cũng không dám chắc đó là một nụ cười, nhưng rõ ràng anh sẽ không bắt cô phải xé tờ giấy ra nuốt hết như lúc trước cô tưởng tượng. Đăng cầm “tấm thiệp cảm ơn” quá đơn điệu, dài dòng và long trọng kia lên đọc lướt một lần nữa rồi quay về phía quầy gọi tính tiền. Không nhìn cô, anh rút ví, gấp nhỏ tờ giấy, gài nó vào chỗ vẫn dành để ảnh.

Đường phố đã lên đèn. Một ngày nóng bức và ngột ngạt đang qua, đủng đà đủng đỉnh.

* Thơ Lưu Quang Vũ.

Đợt nắng nóng hung hãn đang hun, rang, thiêu, đốt cả miền Bắc đột ngột chấm dứt bằng một cơn mưa giông nhiệt lúc sáng sớm. Tiếng sấm rền rền vô hại từ cuối chân trời vọng lại trong phút chốc bị từng đợt gió lốc giật đến gần hơn, biến thành những tiếng sét đanh gọn, xé toạc không trung lao xuống dựng cả thành phố khỏi giấc ngủ đã tương đối no nê. Trận mưa mà người Anh vẫn nói là “chó và mèo”* trút xuống sau đó ngay lập tức biến những nẻo đường giờ cao điểm thành một khối hỗn loạn lõng bõng gồm người, xe và nước.

Đăng về số, giảm ga cho chiếc Serow 225 trôi xuống hầm toà nhà. Vào giờ này mọi khi, tấm biển báo hết chỗ chắc chắn đã án ngữ trước cửa và những người chậm chân đã phải quay xe ra gửi ngoài bãi của phường. Nhưng hôm nay thì không, hầm gần như trống trơn, lèo tèo vài chiếc xe sũng nước, phần lớn là xe đạp. Hai tay bảo vệ trẻ măng thường ngày liên tục sắm bộ mặt khó đăm đăm đi lại nhắc mọi người để xe gọn gàng, nay nhàn rỗi ngồi bên bàn nước, đọc báo nghe đài. Thấy tiếng động, họ ngẩng lên, nhìn anh và con cào cào sắt bằng cặp mắt kính nể. Một người đứng dậy ghi vé, không quên hỏi han mấy câu về chiếc xe – việc mà họ đã làm rất nhiều lần, mỗi khi thấy nó xuất hiện trong những ngày mưa ngập. Đăng tranh thủ tán gẫu với họ về tình hình giao thông, thời tiết, an ninh trật tự… một lát rồi mới đi lên. Nước vẫn nhỏ tong tỏng theo mỗi bước chân, nhưng anh mặc kệ, đằng nào thì cũng chẳng có ai nhìn.

Đúng như anh dự đoán, sảnh tầng một vẫn vắng hoe, cả quầy lễ tân chung của toà nhà lẫn thang máy và quầy lễ tân riêng của báo cũng vậy. Hai cây kim đen sì của chiếc đồng hồ treo ở đầu hành lang dường như bất động ở ngưỡng tám giờ. Đăng mở điện thoại, nhìn lướt một loạt cuộc gọi nhỡ và tin nhắn (chắc chắn để xin phép làm việc tại nhà) của nhân viên trong nhóm, thở ra một hơi dài, chẳng biết nên vui hay nên buồn. Lâu nay, ai trong toà soạn cũng ngầm hiểu “làm việc tại nhà” là một khái niệm tương đương với chuyện bài vở chệch choạc. Điều này cũng có nghĩa là trách nhiệm đổ lên vai anh hôm nay sẽ nặng nề hơn. Nhưng viễn cảnh không phải lên tiếng hết nhắc người này sửa lỗi lại giục người khác dịch gấp cái này cái kia như mọi ngày cũng làm anh thấy nhẹ nhõm. Cổ họng đang ngâm ngẩm rát của anh sẽ được nghỉ ngơi, ít nhất là hết buổi sáng.

Tiếng cọt kẹt rất khẽ của cánh cửa phòng khi mở bình thường khó có thể nghe thấy, hôm nay vang lên rõ mồn một. Luồng gió từ ống điều hoà tổng trên cao đang táp từng đợt xuống những chiếc ghế chưa có ai ngồi và màn hình chưa bật. Không khí trong phòng buồn hiu, lạnh quá mức cần thiết với một người vừa dầm mưa! Đăng che miệng ho khan, cúi xuống mở ngăn kéo dưới cùng của bàn làm việc. Hồi còn làm cho chỗ cũ, để ứng phó với những chuyến công tác bất ngờ tuy ngắn ngày nhưng toàn đến những nơi hẻo lánh thiếu tiện nghi, anh đã có thói quen để sẵn ở văn phòng một túi du lịch chứa những đồ dùng cá nhân thiết yếu như thuốc men thông dụng, quần áo, bàn chải, khăn mặt…

Bây giờ, khi đã chuyển chỗ làm, công việc ổn định đến mức trì trệ, những món dự trữ trong ngăn kéo khẩn cấp dần được cắt giảm gần hết. Trong tầm tay anh lúc này chỉ có một bộ quần áo màu sắc trung tính, quần kaki đen và áo phông polo màu ghi nhạt, đủ lịch sự và phù hợp với hầu hết các sắc thái hay sự kiện của công sở nhưng có vẻ không đủ ấm. Thật vớ vẩn khi cần mặc đủ ấm vào một ngày tháng bảy, nhưng quả thật Đăng đang phải cố gắng lắm mới không run cầm cập. Anh ho thêm một tiếng nữa, kiên quyết nhấc bộ quần áo khỏi ngăn kéo. Dù sao thì cũng phải thay những thứ đã ướt đến 80% trên người ra cái đã!

Quỳnh dừng bước, ngoái nhìn vết dép của mình dần se lại trên nền gạch granite bóng loáng. Hành lang rộng chỉ có cô và chúng. Nếu không có chiếc áo mưa còn ướt rượt vứt ở gần quầy lễ tân và tiếng ai đó nói chuyện điện thoại từ phía kia hành lang oang oang vọng lại, quang cảnh toà soạn sẽ từa tựa như trong phim khoa học viễn tưởng, nơi loài người sau một đêm bị quái vật ngoài hành tinh bắt đi bằng sạch. Quỳnh cúi người bỏ mấy thứ đang cầm trên tay xuống đất rồi bắt đầu áp bàn tay lạnh toát lên đầu gối như để chắc chắn những chiếc đinh vít trong đó chưa rụng ra và trôi theo dòng nước. Sờ nắn một lát, thấy hai chân dù mỏi nhừ nhưng đầu gối không có dấu hiệu gì bất thường, cô mới tạm yên tâm.

Đường ngập, xe buýt bỏ trạm, thay đổi lộ trình, Quỳnh phải xuống ở cách đây hai ngã tư và dò dẫm lội đến văn phòng. Trên vỉa hè, nước chỉ ngập ngang bắp chân nhưng chiếc quần soóc-lịch-sự này của cô cũng ướt hết phần gấu lơ-vê, bởi cứ vài phút lại có một hai chiếc xe liều mạng phóng qua làm từng đợt sóng dềnh lên xô đẩy những người đi bộ đang men sát những hiên nhà. Nếu bản thân không phải nhân viên thử việc và không có kinh nghiệm từ những ngày lội nước đã đời trong trận “đại hồng thuỷ” tháng 11 năm ngoái, có lẽ cô đã đầu hàng từ lâu chứ không thể đi lại nghênh ngang giữa toà soạn trong bộ dạng kệch cỡm áo phông cũ, quần soóc, dép lê thế này…

Vì tình trạng ngoại hình đang giống oshin đi chợ hơn là biên dịch đi làm, dù chắc chắn đến 99% là trong phòng không có ai, Quỳnh vẫn thận trọng quyết định đi thẳng tới WC để chỉnh đốn trang phục trước. Một tay ôm chiếc túi đựng quần áo nghiêm chỉnh và sandal cao gót, một tay vung vẩy cái ô chưa thèm quấn gọn lại, cô vừa rẽ vào lối đi nhỏ thoang thoảng mùi sáp thơm vừa nhại giọng Rihanna:

Now that it’s raining more than ever
Know that we’ll still have each other
You can stand under my umbrella
You can stand under my umbrella
Ella ella eh eh…

Tất nhiên, phán đoán của Quỳnh về chuyện trong phòng không có ai đạt độ chính xác hẳn 100% nên người vài phút trước còn ở đó phải di chuyển sang chỗ khác để chạm mặt cô. Và chỗ khác đó chính là góc hành lang khuất nẻo này. Đúng lúc cô nghêu ngao cao hứng nhất, cánh cửa có tấm biển in chữ Gentlemen và hình người không-mặc-váy từ từ mở ra. Đăng, đang tận dụng nốt khoảng 20% diện tích khô ráo trên chiếc áo vừa thay ra để lau tóc, ngẩng lên nhìn cô không chớp mắt.

* Raining cats and dogs: Mưa rất nặng hạt.

Như một phản xạ tự nhiên, Quỳnh thu túi và ô vào sát người để che đôi chân đang hở quá tiêu chuẩn cho phép của tuyệt đại đa số các cơ quan sử dụng lao động. Cô nhìn người có thể coi là đại diện cho bên sử dụng lao động, lúc này đã bỏ “khăn lau tóc” xuống và đang che miệng ho sặc sụa (không rõ là ho thật hay chỉ giả vờ để che giấu vẻ bối rối), hỏi một câu thuộc dạng “đảm bảo không rắc tí muối nào”:

- Đường ngập thế mà anh vẫn đến ạ?

Đăng gật đầu, thầm cảm ơn cơn ho đã trở thành lý do vô cùng chính đáng giải thích cho việc mặt anh tự nhiên đỏ lên. Khoát tay về phía sau lưng, nơi có căn phòng mà anh chưa từng ngó vào chứ đừng nói là bước qua cửa, Đăng vội đưa một câu có nghĩa chen vào những tiếng ho:

- Vào thay quần áo nhanh đi!

Khi câu nói mang đậm phong cách Cúc Anh ấy đã rời khỏi miệng, chủ nhân của nó mới nhận ra sắc thái hơi bị nhạy cảm đằng sau sáu từ thoạt nghe chẳng có gì đáng chú ý kia. Thật may cho anh và cho cả người đối diện, câu mệnh lệnh mà nếu chỉ đọc mình nó chứ không biết ngữ cảnh, người ta sẽ dễ liên tưởng và suy diễn rất… lung tung, dường như đã rơi lăn lóc hoặc tan biến đâu đó trên quãng đường không đến dăm bước chân giữa hai người. Quỳnh, có lẽ còn bận áy náy với tình trạng trang phục rất thiếu nghiêm túc của bản thân nên không có thời gian lắng nghe hay suy nghĩ, chỉ cúi gằm mặt đi nhanh qua chỗ Đăng và trong tích tắc đã biến mất sau cánh cửa gắn tấm biển in hình người mặc váy.

Một lát sau, khi Đăng đã gửi xong mail phân công công việc cho những người vắng mặt và bắt đầu đảo qua một loạt trang tin quốc tế, nhân viên duy nhất chịu đội mưa lội nước đi làm mới rón rén bước vào phòng. Áo sơ mi kẻ sọc đen trắng, quần âu đen, sandal cao gót đen, ngay cả chiếc túi vải bạt to phồng đeo trên vai cũng đen thui một cục, nếu như trên tóc cô không có chiếc cặp mái hình cái kem ốc quế to tướng sặc sỡ – dấu hiệu duy nhất còn lại của nhân vật “oshin đi chợ” trên hành lang vừa rồi, chắc Đăng sẽ cho rằng cuộc gặp gỡ trước cửa WC là do anh tưởng tượng ra.

Quỳnh mải cúi xuống nhét chiếc túi vải bạt vào ngăn tủ nhỏ nên không biết sự biến đổi cả về trang phục lẫn phong cách của mình đang bị ai đó theo dõi và ghi nhận kỹ càng. Đến khi cô ngẩng lên, quan sát viên đã kịp chuyển mục tiêu sang màn hình kín đặc chữ. Anh nói mà không nhìn cô (vì vừa nãy đã nhìn đủ rồi, hí hí):

- New York Times mới có một bài về du lịch mạo hiểm ở Tây Phi, tôi copy vào folder share của server rồi, em dịch luôn nhé.

Từ lúc bắt đầu vào làm, chưa bao giờ Quỳnh dịch bài trong mảng Du lịch. Đây là một trong những chuyên mục luôn giữ vững chất lượng của báo, cũng là chuyên mục có biên tập viên “chảnh” nhất. Nghe nói người này có lần đã từng tuyên bố thẳng thừng với Đăng rằng anh ta không cần những bài “dịch ngu như lợn” của những nhân viên thậm chí còn chưa có hộ chiếu. Nhớ đến câu nói ấy, Quỳnh không thể ngăn được một câu hỏi tò mò. Chuyện gì xảy ra với Mr. Very Chảnh kia vậy?

Như đọc được ý nghĩ băn khoăn của cô, Đăng giải thích thêm:

- Đội bên kia chưa thấy ai đến, cũng không liên lạc được, em cứ dịch đi.

- Vâng – Quỳnh gật đầu, thoăn thoắt gõ mật khẩu log in máy tính....
♥ Đánh dấu trang này
«1...121314151617»

SMS Google Facebook Twitter
Cảm nhận về bài viết
Cùng chuyên mục
» Hoàng tử Lạnh Lùng & Công chúa TomBoy
» Nếu có một linh hồn yêu em - Ngô Hoàng Anh
» Ký Ức Yêu - Kawi Hồng Phương
» Đồ tồi ! Tôi yêu anh - Nguyễn Bích Hồng
» Về nơi đáy mắt trong - Leng Keng
» Này anh! Tôi không phải là ôsin - Hà Cindy
1234567»
Bài viết ngẫu nhiên
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 1
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 2
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 3
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 4
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 5
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 6
1234»

The Soda Pop