XtGem Forum catalog
  Game Blog Media Story
Top Game 2015
» »
Chênh vênh hai lăm - Nguyễn Ngọc Thạch

Chênh vênh hai lăm - Nguyễn Ngọc Thạch

Admin 4.5 sao trên 1024người dùng 999
Truyện Dài
“Lòng chênh vênh giữa lưng chừng cuộc sống.”

Xuất hiện một năm trước với truyện dài “Đời Callboy”, Nguyễn Ngọc Thạch nhanh chóng được biết đến như một tác giả trẻ thành công với những mảng đề tài gai góc như đồng tính, mại dâm, kinh dị hay chuyển giới.

Nhiều người cho rằng, Nguyễn Ngọc Thạch mãi cũng chỉ đi quanh những thứ gai góc như vậy, không thể viết được những câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm hơn. Và thế là “Chênh vênh hai lăm” ra đời như một thể nghiệm mới, một bước làm mới mình của tác giả, như một câu trả lời cho nhận định trên.

Chênh vênh hai lăm” như cuốn sổ nhỏ ghi chép lại những điều vô chừng của cuộc sống một người trẻ giữa đất Sài Gòn. Những thứ được ghi lại không mới, nó bình dị và gần gũi đến mức đọc xong, người ta chợt nhận ra, ừ nhỉ, mình cũng đã từng trải qua cảm giác này, đã từng chứng kiến những việc này, chỉ là, mình không ngồi và viết lại chúng.

Đó là câu chuyện về một chú nhân viên bảo vệ công ty, ngoài 50 nhưng mỗi ngày vẫn gọi điện thoại cho vợ, mẹ tụi nhỏ muốn ăn gì, để ba về mua cho ăn. Đó là chuyện của anh giữ xe quán café, sợ trời mưa nên lấy nón bảo hiểm của khách úp xuống xe. Đó là chuyện của thùng trà đá miễn phí đặt bên lề đường và thái độ của những người đi đường dành cho nó.

Những câu chuyện tưởng chừng tủn mủn đó, lại góp cùng nhau để vẽ lên bức tranh cả một Sài Gòn nhiều mảng sáng tối.

Không giống với những tản văn của những người trẻ khác, thường mang giọng văn nhẹ nhàng, êm mượt, “Chênh vênh hai lăm” được viết với đúng với phong cách Nguyễn Ngọc Thạch, thực tế, gần gũi, không hoa mỹ nhưng vẫn lưu lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.

Có thể nói, “Chênh vênh hai lăm” là một tản văn lạ cho những người trẻ cần một góc nhìn mới từ những điều thân quen.


Chênh vênh hai lăm - Nguyễn Ngọc Thạch


CHÊNH VÊNH HAI LĂM


Cho những ngày Sài Gòn len chặt người cùng bụi

Có người hỏi, Sài Gòn cái gì mắc nhất?
Chuyện là ngày ngày đi làm ngang ngã tư có thùng trà đá ai để bên đường, viết rõ câu mời “Trà đá thơm ngon miễn phí”, để luôn mấy cái ly nhựa hơi bẩn.
Có bữa dừng đèn đỏ, nghe hai mẹ con trò chuyện.
“Con khát quá, mẹ cho con uống nước đi.”
“Không, lát rồi uống, nước đó uống không được.”
“Sao không được, người ta ghi là thơm ngon, miễn phí mà mẹ?”
“Không được cãi lời, nước đó là nước dơ bỏ đại vô dụ người ta uống…”
Rồi hai mẹ con rồ xe chạy mất, mặt thằng nhỏ vẫn còn tiếc nuối.
Có lần, một người thanh niên dừng xe đạp lại, rót ly trà đá mát lạnh uống. Hai bạn trẻ đi xe tay ga đắt tiền bên cạnh xì xầm:
“Nghèo lắm hay sao mà cái thứ nước này cũng dám uống…”
Thật chẳng thể biết bạn thanh niên kia nghèo hay không, chỉ thấy ít ra bạn ấy giàu lòng tin hơn hai bạn trẻ kia.
Hóa ra ở Sài Gòn, lòng tin là cái mắc nhất mà không ai cũng đủ khả năng mua cho mình.

Chênh vênh hai lăm

Hai lăm.

Chả xấu cũng chả đẹp, chỉ là biết cách nghiêng đầu, chọn một góc gương mặt nhìn được nhất rồi chụp lại, chỉnh cho mờ ảo, upload lên facebook nhận vài chục lượt like, thấy đời khoái trá hẳn. Để sáng lại quần áo xúng xính nhào ra đường đón nắng, bụi, gió ào vào khuôn mặt không trang điểm. Tự tin có nhiều người công nhận nhan sắc ta.
Hai lăm nổi mụn, mừng rơn, tự an ủi bản thân “lại” bắt đầu dậy thì, đậu thanh xuân chịu nảy mầm trên mảnh vườn cằn cỗi vết chân chim.
Hai lăm thích mặc quần đùi đi dự tiệc, lẹp xẹp dép lê lên thảm đỏ sự kiện. Không phải không đủ tiền mua áo vest, chỉ là nghĩ giữa đám người quần là áo lượt, lèng phèng lại thành phong cách riêng. Đến khi bị mời đi vì trang phục không phù hợp, cũng cười vì đã check-in cùng một tấm hình lung linh kịp chụp.
Hai lăm thích mang boots, bất chấp sự thật rằng nó khiến càng lùn thêm vài centimét hiếm hoi. Chỉ là thương cho gót chân mềm. Sợ có người thấy được điểm yếu Achilles nên phải bao bọc kỹ.
Chân dung hai lăm ngông ngênh đời, thích cười trong mưa, ngồi khóc khi nắng.
Những buổi sáng hai lăm nhàn rỗi, nằm dài nghe tiếng thời gian gõ nhịp lọc cọc, có con chim nhào ra cúc cu là biết đã sống thêm sáu mươi phút cuộc đời vô nghĩa.
Những buổi sáng hai lăm vội vã, ngược nắng, ngược gió mười một cây số rưỡi mua ly café đen ở quán quen ba hay uống, để kịp thấy tóc ba bạc nhiều hơn năm cọng so với hôm qua bên bàn cờ tướng lộp cộp.
Có lần nếm thử thứ café nắng gió, thấy cũng bình thường như bao nhiêu ly café đen khác. Hỏi thử mới được nghe, “Quán đó trước ba gặp mẹ lần đầu.” Hóa ra café ba uống không cần đường, nó ngọt bằng những kỷ niệm chẳng bao giờ phai nhạt.
Những buổi trưa hai lăm nhàn nhã, ngồi quán sóng sánh café đen không đường, sóng sánh nỗi nhớ chẳng biết nhớ ai, sóng sánh nhìn đời oằn người ngoài kia. Nhìn người ta chơi trốn tìm cùng nắng. Thấy đời hối hả trôi vèo khi chỉ mình ta chậm bước.
Những buổi trưa hai lăm bận rộn, lộc cộc gõ những từ vô nghĩa bằng con laptop bốn năm chinh chiến cùng nhau. Thấy phím muốn bung, thương, đời rồi khi nào bung bê như phím? Sợ mơ hồ vậy thôi chứ bản thân biết cũng đã chẳng còn khỏe như hồi bốn năm trước.
Thương thì thương thơ thẩn thế thôi.
Những buổi chiều hai lăm chạng vạng, ráng chạy theo chút nắng cuối ngày đang bỏ trốn màn đêm.
Thấy đời mong manh như pha lê.
Đưa tay níu nắng, giọt rớt trong lòng, lu mờ dần. Thấy đời cũng thế lu mờ dần.
Những tối hai lăm, thấy đau lòng. Vết thương cũ tưởng chừng thành sẹo, nay nứt toác, không chảy máu mà rỉ giọt tình, chẳng còn bao nhiêu để rơi vãi, chắc cũng vài lần nữa rồi lại khánh kiệt khô khan.
Hai lăm hay ra ban công nhà uống rượu, hút thuốc, thấy đời chấp chới vô cùng tận.
Nhìn người đi vàng vọt dưới kia, hỏi rằng người nào sống, người nào chết. Họ cứ bước đi trong đêm, chân rảo về những miền ký ức riêng không xác định, có khi ngày mai, một trong số họ chẳng còn ngẩng dậy nhìn mặt trời, nhưng đêm nay, chân vẫn cứ bước đều như đám lá vàng rơi xuống từng nhịp.
Đưa tay níu gió đêm, mát rượi. Thấy sẵn sàng để rơi. Nghĩ, rơi xuống có chết? Rồi lại nghĩ, có chắc đang sống?
Hai lăm bỏ công việc nhàm chán để theo đuổi đam mê. Nhìn người ta quây quần trong cơm áo gạo tiền cười khinh bỉ, đời không đam mê, sống chi cho hoài phí.
Nhìn lại thấy sống bản thân đeo đuổi đam mê để đến khi trong túi còn được vài chục ngàn, chẳng dám vào quán gọi ly café sang chảnh, thử hỏi không tiền, sống được sao?
Người cười ta điên?
Ta cười người quá tỉnh.
Những tối hai lăm lượn lờ hít bụi đường no phổi, ghé quán nhỏ ven đường, gọi ly sữa đậu nành nóng, uống cho đời bớt lạnh. Nghe câu chuyện của cô bán sữa mà mắt đỏ.
“Ráng vài năm nữa, thằng út xong đại học rồi về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chứ… sợ cái đất Sài Gòn này lắm rồi. Nó hút máu người ta.”
Chợt thấy bản thân xanh xao như thể máu đang bị rút cạn, minh chứng hùng hồn cho câu chuyện vừa nghe.
Hai lăm chạy xe thường hay hát. Chẳng đầu chẳng đuôi, cứ nhớ câu nào ráp lại thành câu đó, điệp khúc vậy mà ngân dài như quãng ngày hai lăm chưa đoạn lặp.
Hai lăm sợ những lần tụ tập cùng đám bạn thân. Nhan sắc tàn phai như xe mất thắng luôn là đề tài muôn thủa.
Chúng bảo nhau rằng phải bớt ăn, dành tiền cho mớ hóa chất người ta nghĩ ra để cứu vãn nhan sắc. Chúng bảo tao phải nhét thêm cái này vào người, phải rút bớt cái kia khỏi cơ thể. Chúng bảo tao phải cắt, phải nâng, phải cà… phải đẹp!
Lại vẫn lăn tăn hỏi nhau cái câu hỏi chưa bao giờ tìm được đáp án, “Sao vẫn chưa có tình yêu?”. Rồi lật đật nhìn lên cho kịp thấy một người đẹp đi ngang, tấm tắc, “Thế này mới mong cải thiện giống!”.
Hai lăm thường cô đơn ngay khi đang ngồi giữa đám đông nhiều người. Nói, cười như một thói quen khó bỏ.
Có thể an ủi người ta, nhưng chẳng thể làm bản thân hết buồn.
Có thể cho lời khuyên, nhưng mình thường bế tắc.
Có thể chọc cười thiên hạ, nhưng chẳng thể mua vui cho chính mình.
Có thể đi với rất nhiều người, nhưng khi cô đơn nhất lại chẳng muốn ai bên cạnh.
Thế thì đành lủi thủi một mình một ngựa sắt vượt đường đêm.
Hai lăm sợ những cơn gió ngược thốc vào người khi cô đơn lúc về. Thèm một vòng tay ôm siết từ phía sau đến lạnh.
Qua những đoạn đường vắng cũ, chợt nhớ khi xưa có lúc môi vội vã tìm môi, lén lút, vụng trộm, để rồi lưỡi chưa kịp chạm nhau đã tách ra vì sợ người ta thấy. Bất giác đưa tay sờ môi, thấy buốt mặn. Kịp ngẩn người về thực tại đã thấy bãi giữ xe trước mặt.
Hai lăm thấy kỳ cục, lúc chạy xe ra ngoài đường lại ngáp dài ngáp vắn, về đến nhà y rằng mắt mở thao láo. Chưa kịp thay bộ quần áo ra đã mở facebook, xem có ai khen tấm hình ban sáng chụp là đẹp không. Rồi lại phì cười khi thấy status người ta post cái gì liên quan đến nhớ nhung, chờ đợi. “Chắc nói về mình.”
Có lần, người ngỏ ý muốn sánh bước trong những ngày hai lăm buồn tẻ. Muốn mở cửa tim cho người ta bước vào. Nhưng khi người ta hỏi, “Tim còn đủ chỗ chứa thêm một người không?”, mới giật mình thấy hóa ra đã vun đầy. Tim còn nặng nề nhiều thứ quá, có những vết thương giờ chẳng hiểu vì sao bị thương, nhưng cái sẹo mờ vẫn hiển hiện khi liếc mắt nhìn qua nó. Thế là, người ta lại bỏ đi, chẳng thể nào tìm được đường vào tim lần nữa.
Hai lăm sợ cái gì đến nhanh, vì biết lúc đi cũng chẳng chậm. Vu vơ lắm.
Khuya hai lăm nằm coi phim bộ, tới mấy cảnh nam nữ yêu nhau, quơ quơ cái điều khiển cho nhanh qua. Thấy nhạt, yêu đương cũng quẩn quanh nhiêu đó, yêu, rồi chia tay, rồi lại yêu. Chạy hoài không khỏi.
Tới đoạn bà mẹ khóc tiễn con trên đoạn đường cuối. “Không thể được, sáng nay nó vẫn còn đang mỉm cười cùng tôi mà…”
Mắt lại đỏ hoe. Hai lăm, sợ cái gì liên quan đến sinh ly tử biệt của những người thân trong gia đình, vì chính bản thân đã kinh qua những lần ly biệt đó.
Hai lăm thích uống rượu vang, đã biết cảm nhận cái đắng chát của thời gian gìn giữ.
Và như thế, hai lăm chìm vào những cơn mộng sớm mai. Ngày mai ấy, mặt trời sẽ mọc, người ta sẽ thở, chó sẽ vẫn sủa và heo vẫn ăn nhiều. Hai lăm lại sống, lại cười nốt những ngày hai lăm nắng chao nghiêng tìm bến đậu.
Hai lăm, chưa phải ba mươi để chín chắn, già nua, nhưng cũng không còn hai mươi để trẻ trung, vô tư lự.
Vì vậy mà những ngày hai lăm, lòng thường chênh vênh lắm.

Taxi lạc lõng
Có những chuyến đi xa, mải miết suốt những chặng đường ngược nắng, ngược gió. Rong ruổi cùng tháng, cùng năm, cùng lòng người trắc trở lo toan. Mỗi chuyến đi như vậy, lại về nhà bằng chiếc xe khách chen chúc người và người.
Đã từng nghĩ, chuyến xe khách sẽ cho mình nhiều cảm giác yêu thương, bởi, nó là thứ vận chuyển đứa con về với gia đình, chồng về với vợ, mẹ về với con, người ta yêu được về với nhau, hay đơn giản, chỉ là về với căn phòng trống vắng hơi chủ dăm ba ngày.
Nhưng rồi chợt phát hiện ra cảm xúc mãnh liệt nhất mình nhận được, lại là lúc ngồi trên chiếc taxi vắng lặng từ bến xe hay sân bay về nhà, nơi bản thân im lặng nhìn đường, còn người xa lạ ngồi trên vẫn đang mải mê mưu sinh....
♥ Đánh dấu trang này
123...11»

SMS Google Facebook Twitter
Cảm nhận về bài viết
Cùng chuyên mục
» Hoàng tử Lạnh Lùng & Công chúa TomBoy
» Nếu có một linh hồn yêu em - Ngô Hoàng Anh
» Ký Ức Yêu - Kawi Hồng Phương
» Đồ tồi ! Tôi yêu anh - Nguyễn Bích Hồng
» Về nơi đáy mắt trong - Leng Keng
» Này anh! Tôi không phải là ôsin - Hà Cindy
1234567»
Bài viết ngẫu nhiên
» Hãy để tất cả theo gió bay đi - Kì 2
» Hãy để tất cả theo gió bay đi - Kì 3
» Hãy để tất cả theo gió bay đi - Kì 4
» Hãy để tất cả theo gió bay đi - Kì cuối
» Thiên Sứ đừng đi, Anh còn chưa nói… Yêu Em
» [Truyện Voz] Người con gái áo trắng trên quán bar - Chap 1
123456»