VẾT SẸO - Những truyện ngắn hayAdmin 1186Truyện Ngắn |
Sau khi bị sỉ vả một hồi lâu, thằng nhóc cướp đồ cúi đầu im bặt. Người đàn ông nhặt cái ví lên, vỗ vai Nguyện xem chừng biết ơn lắm. Ông tính mở ví ra như một hình thức trả nghĩa, thì Nguyện ôm lấy đôi bàn tay hơi sần sùi và cứng cáp ấy, gấp cái ví khá dày lại: "Nguyện được mẹ dạy không nhận tiền vô cớ như vậy, Nguyện sẽ vừa học vừa kiếm tiền, ngại bác quá!". Người đàn ông nghe đến cái tên thì hơi choáng, mặt có phần tái nhợt, đôi mắt sâu cứ phải ngây ra một hồi mới bộc lộ được cái niềm xúc cảm chân thành biết ơn ấy. Đâu hay, đôi tay gân guốc của ông ta run lên, như có âm thanh gì đó quen thuộc dội về nhói đau từ sau lưng, thâu vào tận xương tủy. Vết sẹo hằn sâu thêm những hình ảnh dữ dội của một mái ấm cũ đã chia xa. Dấu vết hình vòng cung trước mắt ông bây giờ là lưỡi hái tử thần, một lần nữa buộc ông phải đối mặt, buộc ông phải trả giá. Nhưng sự hèn mạt, chua xót và tự trọng của một người đàn ông, dẫu thương con, vẫn níu kéo ông, giật tay ông ra khỏi đôi tay cũng bé bỏng gầy guộc của Nguyện, ngăn cản ông khỏi những hoài vọng xưa cũ. Ông cố bình tĩnh, thản nhiên, như là lần đầu tiên được gặp một chàng thanh niên tốt bụng. Ông mong sao đây chỉ là lần đầu, chỉ là một thằng bé vô tình xóc lạinhững cảm xúc rối bời từ lâu đã bị bịt kín trong một cái chai đục ngầu những hình ảnh thân thuộc. Và ông chôn kín nó, bỏ lạị tất cả đằng sau.
Riêng Nguyện ngập ngừng, bối rối trước ánh mắt nâu thẳm sâu của người đàn ông. Nó phải chìm vào ánh mắt đó một hồi sâu, lao xuống vực thẳm tối mịt mù để đào bới thứ gì đó bí ẩn, lục tìm một cảm giác thân quen, gần gũi. Hai bàn tay vừa vơ lấy nhau như hai miếng ghép dang dở bị lạc mất, đan khớp lại, ấm áp. Người đàn ông cúi đầu, tránh ánh mắt đang ngập tràn những câu hỏi bâng quơ hiếu kì. Nguyện bỗng đánh bay đi những suy nghĩ đầy ganh tị với bọn trẻ có bố trong làng. Chỉ ngồi đung đưa trên chuyến xe cùng có người đồng hành, cùng một chuyến xe, cùng một điểm đến, nó không còn cảm thấy cô độc nữa.
Xe dừng, cả hai cùng bước xuống, Nguyện lấy một hơi thật dài, căng cả lồng ngực rồi hít vào thật sâu như muốn nuốt hết bầu không khí trong lành của thành phố Đà Nẵng trong lành, không mịt mù khói bụi hay vàng chua đất biên hòa của miền Trung . Đà Nẵng mời gọi nó ngay từ những cú chạm khẽ khàng của làn gió mát giữa hạ và những nụ hôn cởi mở của nắng.
- Có vẻ như đây là lần đầu cháu đến Đà Nẵng - Người đàn ông mỉm cười.
Cái Nguyện gật đầu, rồi gãi đầu, và nó được người đàn ông đưa vào một quán nước dừa bên vỉa hè để nghỉ ngơi. Nó không nghĩ rằng cái thức uống cuối cùng nó được thưởng thức tại quê nhà lúc ra đi, cũng là hương vị quen thuộc mà Đà nẵng lần đầu tiên mời mọc nó. Đang mải nghĩ, nó thoáng giật mình trở về hiện tại khi lời mời mọc là giọng nói thân thiện, dịu dàng của cô bán hàng:
- Nước của hai cha con đây! Lấy gì cứ kêu bác nhá!
Nguyện gượng cưòi, nó công nhận chỉ cần nhìn đằng sau cũng thấy giống rồi, tấm lưng còng và rất dài, như nhau. Trong khi người đàn ông loay hoay xé từng lớp vỏ dừa với mối tơ vò trong lòng, chẳng nói chẳng rằng ...
Lạ nước lạ cái, một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua, nó tất bật nhập học đầu năm. Nó còn vật lộn sửa soạn cái phòng trọ mới thuê còn bừa bộn, nó rủa sao mấy người sống đây trước nó cũng thật biết cách phá hoại. Đêm nằm ngủ mà tường nhà còn tróc cả vôi vữa ra, xót cả mặt. Nó tức tối. Nhưng Nguyện cũng thích nghi khá nhanh, quen dần với nhịp sống ôn hòa nơi đây. Cũng may nó kiếm nhanh được chỗ làm thêm khá ổn - gia sư dạy Văn cho một con bé lớp 10. Nhà nó cũng không xa chỗ con bé, chỉ cần loanh quanh cũng vài cái ngõ nhỏ, vài trăm bước cuốc bộ, thì sẽ sừng sững một ngôi biệt thự khang trang ngày đêm lấp lánh đèn. Mưa gió gì cũng vậy, tuần vài buổi tối, nó đến rồi đào bới hết chất xám của mình để tuôn ra bao nhiêu là câu chữ văn vẻ siêu việt. Nó cũng khá cừ, hồi còn phổ thông ẵm được giải Nhì học sinh giỏi tỉnh cơ mà. Chứ nó không biết rằng đối với con bé Trúc mà nó đang kèm cặp thì lời hay ý đẹp chẳng khác gì nước chảy qua cầu. Cái Trúc không hứng được là bao nhiêu, thỉnh thoảng bị thầy cốc đầu vì tội ngủ gật, nhưng nó vẫn bướng: "Mấy cái này trên lớp cô em hổng có dạy, thầy nói đâu đâu em nuốt vô sao được?". Thầy chỉ lắc đầu, càng nói càng cãi, phát mệt. Có lúc con bé nổi tính tiểu thư hống hách đến đáng yêu: "Bộ thầy nghĩ hơn em 3 tuổi thì thầy mắng được em à?" Rồi om sòm đến khi mẹ nó vào dẹp loạn thì thôi.
Con bé khá dễ thương, mắt một mí hơi xếch, nhưng nâu sẫm và sâu, thích liếc nhìn một cách kiêu kì. Nó quậy nhiều, mà học hành lại ít, Nguyện có khi phải vò đầu tự hỏi cái Trúc lười vậy mà không biết cái lỗ nào cho nó lọt vào đội tuyển Văn của tỉnh. Thế mà nó thích buôn chuyện với thầy thôi, rất lém lỉnh. Thầy giảng về Kiều, nó suy ra suy vô đến hotgirl ngày nay, thầy bàn về chiến tranh, nó dây cà ra dây muống đến chuyện gia đình. Lúc cái Trúc sôi nổi, lúc lại trầm ngâm chán đời. Nó ít than vãn, nhưng dường như tủi thân một chút. Có khi nó bất giác thở dài, rằng ba nó đi cả tháng chưa về nhà, mà ba cũng làm ở Đà Nẵng thôi, nó lại là con một, chán bỏ xừ ra: "May mà có thêm mồm miệng của thầy nếu không nhà em cũng im như địa ngục, kinh khủng lắm".
Quả thực, ngôi nhà khang trang, cao lớn, chắc nhất cái phường này rồi, nhưng từ khi bước vào, Nguyện thấy nó như ngục sâu, kéo dài hun hút, tông màu trắng phản chiếu ánh đèn lạnh lẽo. Trong nhà không một tiếng trẻ con, mẹ nó hay đi vắng, chỉ thường thấy cái lưng chị giúp việc thường lúi húi quét dọn. "Hẳn con bé yêu ba nó nhiều lắm!" - Nguyện nghĩ. Con bé vẫn hay kể về ba nó, mặc dù ít được gần gũi nên không nhiều chuyện hay ho:"Ba em nhìn nghiêm khắc lắm, nhưng với em ông hiền khô, ít nói và dịu dàng. Mỗi tội đôi mắt sâu hoắm, buồn rười rượi đến nỗi ai rơi tõm xuống đó chắc không ngoi đầu lên được". Nó còn lấy cái ảnh gia đình trong khung gỗ được cất gọn gàng ở hộc bàn ra khoe:"Ông ấy gầy gò, giờ đã khá yếu rồi, cơ mà đẹp trai giống thầy phết, thầy nhỉ!". Nguyện ngắm bức ảnh, sửa lại cặp kính cận, nó cầm chặt khung ảnh, và mọi mạch máu như ngừng hoạt động, hai bàn tay tê cứng và bắt đầu đổ mồ hôi. Lại là hình hài thân quen Nguyện gặp trên chuyến xe buýt hiếm hoi, người mà lúc nào nhìn thấy, nó cũng ghim chặt trong đầu câu nói của bà nội:" Cha mầy thích nước dừa hơn cả trà xanh đó!". Rồi nó run nhẹ một cái, nuốt nước bọt cái ''Ực". Cổ họng nghẹn ứ, đôi mắt đầy suy tư và thăm thẳm buồn. Tưởng chừng bây giờ nếu nhìn vào gương, chắc nó sẽ thấy hình ảnh người đàn ông thân thuộc ấy phản chiếu.
Từ giây phút đó, Nguyện đến kèm Trúc học với vẻ lẳng lặng, nghiêm khắc hơn, như một ông cụ non. Mỗi lần cái Trúc huyên thuyên về ba nó, Nguyện cũng vui vui phần nào, nhưng rồi trông sang tấm ảnh gia đình trên bàn học của cái Trúc, nó lại trầm ngâm, thấy cái khung ảnh bằng gỗ sao mà bé thật, ôm trọn ba người - một mái ấm trọn vện, không có nó, mẹ nó, nội nó. Rồi nó khua tay dẹp những nghĩ suy ấy đi, nó cảm thấy bản thân nó thật hoang tưởng, mọi thứ thật hoang đường. Nó là con chuồn chuồn, đúng vậy, một con chuồn chuồn bị nhốt trong căn buồng ngột ngạt đã lâu, nay tìm thấy ánh sáng qua khe cửa, nó bay. Chới với. Chao liệng. Mừng rỡ. Và cánh nó sa vào mạng nhện, dưới những cái chân của con nhện gớm ghiếc. Nó vẫy vùng đôi cánh mỏng manh, nó bất lực.
***
Một năm học cứ thế trôi nhanh, càng về cuối năm cái Trúc bám lấy thầy hoài, nó sụt sịt, nức nở khiến Nguyện khó hiểu chuyện: "Thầy mới dạy em được một năm thôi, ờ mà sao nhanh quá vậy! Nếu em không được nghe giọng văn ấm áp của thầy em biết làm sao?" Buổi tối cuối cùng dạy cái trúc, thầy sắp về thì nó khóc dữ dội, mà chắc không hẳn vì thầy mà nó phải nức nở thế. Nguyện tình cờ bắt gặp những dòng lệ sướt mướt giấu kín sau chiếc khăn tay mà mẹ con bé lúng túng lau khô khi gặp nó. Tiếng ồn ào ngoài nhà khiến nó chú ý, Nguyện khá mừng vì ba cái Trúc về, nó sẽ đỡ buồn hơn, nhưng Nguyện vẫn bối rối. Con bé nhoài ra khỏi phòng gặp ba nó được tí xíu thì về phòng, nó ngồi yên chẳng nói gì, cắn móng tay và suy nghĩ vẩn vơ.
- Thầy muốn gặp ba em một tí được không? Dù sao thầy cũng sắp về, rồi nghỉ hè luôn.
Con bé bất thần nắm chặt lấy tay thầy, đôi mắt tròn to khẩn thiết:
- Bây giờ á? không được, không được đâu thầy, ba em đang bàn chuyện với khách. Mà...mà - Nó ấp úng - Nhà em đang rối lắm, muộn rồi thầy về đi, e sẽ liên lạc sau.
- Em học hành mạnh giỏi nghe! Này, này!!!...
Nguyện chưa nói hết câu đã bị cái Trúc kéo ra, đóng sầm cửa, để lại thầy nó ngoài phòng vừa bị đuổi đi mà tưởng chừng Trúc ném nó vào cái ngục đầy băn khoăn, khúc mắc, ngạc nhiên.
Thôi thì nó cũng về, để lại căn nhà to lớn cô đơn giữa đêm tối. Nó có hơi lưỡng lự, khá tiếc nuối, nhưng buộc mình không được nghĩ nhiều. Nó nhìn đăm đăm vào vết sẹo một hồi lâu, rồi gạt phắt đi:"Vớ vẩn, làm chi phải!" rồi đi thẳng. Trên đường về nó có nghĩ tới cái Trúc một chút, thấy thương thương.
Lần nó nó về mẹ Tư cuống cả lên. Liệng ngay cái nón đã sờn rách trên đầu vào xó nhà, mẹ cười khoe cả hàm răng nhòm nhoèm nhai trầu đen nhánh, nụ cười trộn những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đã nhăn nheo. Mẹ ôm lấy nó mà hôn hít: "Con trai tôi vào Nam nó trắng như Tây rồi!". Nội ngồi bên lại gật đầu cười...
Buổi tối, cả nhà quây quần ăn uống. thằng Nguyện lều khều, loay hoay mãi mới chỉnh được cái ăng-ten để xem thời sự. Sẽ không có cái mặt nhăn mếu của cu Ngàn nếu mẹ nó không dằn mạnh bát xuống: "Đừng có trêu đùa nhau nữa, trật tự đi!" rồi nheo nheo đôi mắt dõi theo thời sự, tặc lưỡi cái "Chậc!, sao bây giờ mấy ông quan ngồi rung đùi trên ghế cũng có của ngon vật lạ, tài thật, chỉ biếthành hạ người làm nông khổ sở như tôi, nói cho xấu hổ thì là ăn chực đấy!. Được miếng cá của dân cũng ăn mất đầu, xẻo mất thịt..." Vừa nói, mẹ Tư vừa lấy đũa dí mạnh con cá kho trên đĩa một hồi, coi chừng tức giận lắm.
"Đặc biệt là trường hợp nổi bật của ông Lê Văn Nhân vừa rồi đã có dính dáng đến nạn tham nhũng 200 nghìn tỷ dồng của công ti B...Phiên tòa đã diễn ra sáng nay và đưa ra kết luận cuối cùng với mức án cao nhất là tử hình..."
Bản tin đang đưa giở, mẹ tư hốt hoảng nhìn kĩ người đàn ông trên màn hình, xoa đi xoa lại đôi mắt yếu ớt. Hai bàn tay gầy gò ấy đã nằm trọn trong còng số 8...Mẹ, theo thói quen, xắn cao hai ống quần, lại vỗ xuống chõng mà khóc ròng, chỉ nói một câu:"Trời đất, con người có số!", không la hét gì nhiều. Cái Nguyện cũng cầm đũa không vững, thấy phản ứng của mẹ nó, Nguyện càng xót xa bội phần, miếng cơm trong họng nghẹn ứ, cứng khô, đôi mắt lờ đờ, nhòe dần. Vẫn bóng hình ấy, vẫn đôi mắt ấy, tất cả không còn thần sắc nữa. Chính người đàn ông khi vừa qua đã như một khoảng trời xế chiều yên bình đối với nó, bây g