i tỉnh dậy từ sớm, mơ hồ nghe tiếng ba toong của ông gõ nhịp trên sàn nhà. Bữa cơm ba người trở lên vội vàng và lặng lẽ hơn bao giờ hết. Ánh mắt bố trở nên xa xăm. Mẹ ngồi tha thẩn gấp lại quần áo cũ của ông, để vào trong tủ, khóa lại. Là người gần gũi với ông nội nhất, khỏi cần nói tôi buồn đến thế nào. Chỉ cần nghĩ tới việc không được nằm bên ông, nghe ông kể chuyện xưa hay loanh quanh bên ông pha trà, rửa chén, tôi buồn đến nao lòng.
Một lần, trong lúc dọn dẹp lại tủ đồ cá nhân của ông nội, tôi bắt gặp một vật lạ lùng. Giữa đống sách báo cũ, bao kính… của ông tôi, hiện ra một xấp bì thư được bọc kín bằng giấy bóng. Mở ra xem, tôi thấy bên trong là xấp thư được gửi từ Huế, và từ một cái tên khác – không phải bà nội tôi. Nét chữ con gái mảnh và nghiêng. Đặc biệt, phong bì nào cũng in hình một cô gái mặc áo dài thướt tha bên sông Hương thơ mộng.
Qua người bạn thân của ông nội tôi, một nhà thơ già, tôi được nghe kể về chuyện tình của ông nội mình. Thời gian còn dậy học ở một trường tư tại Huế, ông tôi đem lòng yêu một cô gái là nữ sinh Đồng Khánh. Bà có một cái tên thật đẹp. Được một thời gian, khi mối tình giữa anh giáo trẻ và cô nữ sinh đang say đắm, ông bị gia đình gọi về cuối vợ. Bà nội là người cùng làng, không phải sắc nước hương trời nhưng hiền lành, chịu thương chịu khó. Giữa hạnh phúc cá nhân và chữ hiếu với cha mẹ, ông nội ngậm ngùi chọn vế sau. Mối dây liên lạc của ông và cô gái kia cũng thưa dần. Thế mà thật lạ, như sau này các bác và bố tôi kể lại, suốt quãng thời gian sống với bà, chưa bao giờ ông to tiếng với bà một lời nào. Ngay cả khi bà tôi mất sớm vì ung thư, ông nội ở vậy nuôi con chứ không đi bước nữa. Thậm chí, từ bỏ một chức vụ cao trong Bộ Giáo dục lúc bấy giờ, ông xin về hưu sớm, toàn tâm toàn ý cho gia đình.
Được sự cho phép của bố mẹ, tôi bắt đầu chuyến đu xa một mình đầu tiên vào năm 16 tuổi. Bằng đủ mọi cách, tôi lùng đến địa chỉ “người yêu cũ” của ông nội. Trên xe, tôi nghĩ ra đủ thứ chuyện để nói với bà. Sẽ hỏi thăm ông nội tôi hồi đó, có lãng mạn hệt như thằng cháu đích tôn máu mê văn thơ bây giờ không. Tôi cũng sẽ hỏi bà và ông nội tôi quen biết thế nào, rồi bà sẽ không phiền lòng nếu đọc cho tôi nghe một trong những bức thư ấy chứ. Các ý nghĩ miên man cứ chạy mãi trong đầu tôi suốt cả nẻo đường đi.
Nhà của bà khuất trong một căn ngõ nhỏ, nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của bác xích lô mà tôi mới tìm thấy được. Hiện ra trước mắt tôi là một bà lão phúc hậu, mái tóc bạc phơ, ánh mắt mờ đục nhuốm màu năm tháng. Một vài suy nghĩ lướt nhanh qua đầu. Tôi bấm chuông cửa, một cô bé chắc nhỏ hơn tôi chừng một, hai tuổi ra mở cổng. Chưa kịp ngỡ ngàng vì người lạ nói giọng Bắc, tôi đưa cho cô bạn xấp thư, nhắn có người nhờ gửi. Rồi cũng vội vàng như khi xuất hiện, tôi lặng lẽ biến mất.
Có thể, bà nội không phải là người ông tôi yêu nhất. Nhưng chẳng tìm đâu ra người thứ hai trên đời thương và trân trọng bà nhiều như ông tôi cả. Sau này lớn lên, mỗi khi có việc đi xa trở về, nhìn tấm ảnh ông nội trên bàn thờ, nụ cười móm mém, tôi lại thấy yên bình kỳ là. Cháu hiểu rồi ông ạ. Rằng ta có thể yêu một ai đó thật sâu, nhưng thương mến một người và ở bên họ suốt đời thì không phải ai cũng làm được. Như cái cách mà ông nội đã dành “tình yêu” cho bà nội, dẫu chưa bao giờ viết cho bà một lá thư tình.