The Soda Pop
  Game Blog Media Story
Top Game 2015
» »
Mùa nắng Đà Lạt

Mùa nắng Đà Lạt

Admin 4.5 sao trên 1024người dùng 406
Teen Story


Xuống tầng một, tôi nhìn thấy còn nhiều bàn trống. Bữa nay đẹp trời nên người ta thích dạo phố hơn thì phải. Ở ngay góc phòng, hứng trọn ánh nắng buổi sớm, cô gái Pháp đang ngồi đọc sách. Chúng tôi chạm mặt nhau ngày cô đến thuê một phòng nhỏ trên gác ba, tuần trước, khi tôi đứng trông quầy giúp má. Vừa hay ba bảo tôi:

“Con mang cà phê ra và nếu có thể, hãy rủ cô bé đi đâu đó. Du lịch một mình và chắc đang buồn vì ba thấy nó ngồi lì đó mấy bữa nay rồi!”


2. “Cà phê của bạn đây!” Cô gái ngẩng lên, nhoẻn miệng cười dễ thương, khiến câu nói sau đó của tôi cất lên dễ dàng: “Bạn đến đây chỉ để ngồi uống cà phê và đọc sách cả ngày?”

Cô gái cầm lấy cốc cà phê, hít một hơi dài hương cà phê đậm đà trước khi nhấp ngụm cà phê đầu tiên.

“Cậu có muốn đi đâu đó với tớ không?” – Cô bạn bất ngờ đề nghị.

Cô bạn tên Elise, bằng tuổi tôi, vừa tốt nghiệp trung học bên Pháp. Elise quyết định không vào đại học ngay. Kết thúc nửa năm làm thêm chăm chỉ, mang theo toàn bộ tiền tiết kiệm có trong thẻ, Elise bắt đầu hành trình “khám phá thế giới”. Cô là cộng tác viên cho một tờ báo cho giới trẻ của Pháp. Công việc linh hoạt, cô có thể làm ở bất kỳ đâu, chỉ cần gửi bài qua email đúng hạn là được. Khi khoản tiền mang theo cũng như nhuận bút được chuyển vào tài khoản vơi dần, cô bạn tìm kiếm công việc làm thêm ở các điểm dừng chân. Phục vụ bàn trong quán cà phê ở Đức, nhân viên giao báo mỗi buổi sớm ở Hàn Quốc, diễn viên quần chúng cho một đoàn làm phim trong một tuần ở Thái Lan, trợ lý PR cho một hãng quảng cáo nhỏ ở Sing…

Tôi hỏi cô ấy lý do ghé thăm Đà Lạt thì Elise nhìn xa xôi, nói cô ấy nhớ nhà, nhớ Pháp, nhưng lại chưa muốn quay về.

“Sếp ở bên Sing gợi ý tớ đến đây. Ông ấy bảo Đà Lạt như một thành phố Pháp trên núi. Đủ gần để ghé thăm mà không cần cân nhắc quá lâu khoản chi phí. Thế là tớ nộp đơn xin nghỉ việc, bay tới Sài Gòn rồi lên đây luôn.”

Elise bảo góc quán cà phê của nhà tôi, chỗ cô ấy hay ngồi đọc sách giống hệt nơi cô ấy thường tới ở Pháp. “Thoải mái và dễ chịu. Nếu những vị khách ngồi quanh đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp thì có lẽ tớ đã nghĩ mình đang ở nhà rồi cơ đấy!”

Băng qua đoạn đường không quá xa, cuối cùng chúng tôi cũng đến hồ Than Thở. Mặc dù đây là một địa điểm được liệt kê nhiều trong các sách hướng dẫn du lịch nhưng thú thực tôi chẳng mấy khi nghĩ nhiều về nó. Riêng cái tên đã… tẻ ngắt và muốn tránh xa rồi. Nhưng vì Elise là người đến từ phương xa, lại thêm chuyện đây là địa điểm du lịch gần nhà tôi nhất nên tôi nghĩ mình có-trách-nhiệm dẫn cô ấy tới đây đầu tiên.

Tôi giải thích với Elise về cái tên của hồ, kể luôn câu chuyện tình buồn của mấy trăm năm trước, được ông bà và bố mẹ kể đi kể lại nên cũng có chút nhớ. Cô bạn bảo ở Ý cũng có cây cầu mang tên Than Thở. Người ta đến đó để kể lể khổ đau và ném xuống dòng sông những nỗi buồn.

“Thật tội nghiệp những chiếc hồ như ở đây, cũng như những cây cầu như ở Ý! Tại sao người ta không cố gắng nghĩ ra giải pháp nào đó đỡ… ngớ ngẩn hơn việc trút hờn giận vào những nơi đẹp như thế này nhỉ?”

Cô ấy thao thao, vẻ kết tội đầy… thuyết phục khiến tôi phì cười. Nhưng ngay khi nhớ lại câu chuyện bữa trước, sau khi tỏ tình với Yến Anh bằng một món quà và ngay lập tức được trả lại, tôi bỏ tiết cuối, ra đứng bên hồ Than Thở và… thở than đủ thứ. Thế mà cũng chẳng hết buồn.

“Đúng là tớ ngớ ngẩn thật!” – Tôi lẩm bẩm sau khi kể cho Elise nghe câu chuyện của mình.

Ban đầu, Elise vẻ như không chú tâm lắm. Cô ấy nằm trên thảm cỏ dày và ngước nhìn khoảng trời lấp ló sau những tán thông cao vời vợi.

“Hãy cứ nghĩ mình gặp may. Ở một khúc quanh nào đó cậu chưa biết được! Mà, cậu đã từng nghe đến vụ việc một cô gái người Mỹ suýt bị Mercedes đâm trúng khiến cô ấy trễ tàu đến sở làm chưa? Sở làm của cô ấy nằm trên tầng 77 tòa tháp số 2 trung tâm thương mại thế giới. Hôm đó là ngày 11 tháng 9 năm 2001, cô ấy tới trễ và nhận ra mình đã thoát chết nhờ vụ tai nạn… suýt chết. Người phụ nữ ấy là nữ diễn viên Gwyneth Paltrow. Lần đầu tiên nghe câu chuyện ấy, tớ đã nghĩ, hóa ra trên cuộc đời này, những điều xui xẻo chỉ là tương đối, ngay cả một tai nạn hút chết. Mọi thứ luôn sáng sủa và tốt đẹp, khi được nhìn từ một góc khác!”

Một góc nhìn khác. Mọi thứ sáng sủa. Tôi lờ mờ hiểu ra điều gì đó. Nhưng bị từ chối vẫn là bị từ chối, mà cảm giác buồn bã và chán chường vẫn đeo bám tôi suốt mấy ngày hôm nay đó thôi. Đâu có gì tươi sáng.

“Cậu có muốn học một bài dân ca Pháp không? Dễ thuộc và vui tai lắm!”

Tôi gật.

Cô ấy nhỏm dậy, vừa hát vừa nhảy. Một tay cô ấy lồng qua tay tôi, tay còn lại chống vào hông. Rồi cô ấy nhảy chân sáo và ra hiệu cho tôi làm theo.

“Sur le pont d’Avignon

L’on y danse, l’on y danse

Sur le pont d’Avignon

L’on y danse, l’on y danse”

(Trên cầu Avignon, chúng tôi nhảy múa. Trên cầu Avignon, chúng tôi nhảy múa…)

Hết đoạn ấy thì cô ấy rời tay khỏi tay tôi, làm điệu bộ như một chú hề, hai tay đặt gần tai, vẫy vẫy, mắt nheo lại, hấp háy và liên tục thè lưỡi.

“Les beaux messieurs font comme ça,

Et puis, encore comme ça.”

(Những anh chàng đẹp trai đều làm thế này, và sau đó là thế này này)

Tôi ôm bụng, cười vang. Elise không làm hành động ấy nữa, chỉ hát thôi. Tiếng hát trong trẻo của cô bạn hòa cùng tiếng thông reo rì rào ở trên cao, hòa cùng tiếng nắng đang chảy tràn trên mặt hồ. Miệng tôi vẫn ngoác tận mang tai…


3. Hôm sau, tôi và Elise đi cáp treo ra Thiền viện Trúc Lâm. Tôi quên khuấy chuyện nhắc cô bạn không nên mặc soóc ngắn như thói quen của cô ấy. Trước cổng Thiền viện, nhớ ra, tôi gãi đầu gãi tai giải thích với Elise thì cô bạn đã cười khì, nháy mắt, lôi từ trong ba lô chiếc khăn choàng to quấn quanh chân, thành chiếc váy không tệ.

Thực tình tôi không biết trong chiếc ba lô luôn mang theo người ấy của Elise chứa những thứ gì nữa. Chai nước nhỏ để uống khi khát, tuýp nước rửa tay khô, máy nghe nhạc đầy ắp bản nhạc tứ xứ, cuốn sổ ghi chép gạch xóa tứ tung với nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh. Thêm cả chiếc máy ảnh cỡ bự nhưng chẳng mấy khi mang ra dùng… Elise thích lặng ngắm mọi thứ hơn là bấm tách tách đơn thuần và cả lý thuyết “Đi du lịch mà không ngồi cà phê hàng tiếng ngắm phố phường và trò chuyện với người bản xứ thì không gọi là đi du lịch”.

Tôi và Elise vẫn đùa gọi nhau bằng biệt hiệu “chúa tể thời gian”. Bởi cả ngày dài hai đứa chỉ tha thẩn trong thiền viện, cũng như cả buổi chiều hôm sau chúng tôi cũng chỉ quanh quẩn dưới thung lũng suối Vàng. Những nơi chốn tôi đã từng đi qua bao lần, nhưng khi trở lại với Elise, ngắm nghía những thứ quen thuộc tưởng đã nằm lòng và… chán ngấy, tôi vẫn thấy thời gian trôi thật nhanh. Thoáng chốc đã hết ngày.

Người ta bảo Đà Lạt có bốn mùa nhưng tôi chỉ nghĩ nơi đây ẩn giấu trong mình hai mùa tách biệt: Mùa mưa và mùa khô mà thôi. Đà Lạt đang vào mùa khô, ấm áp và rực rỡ. Dã quỳ nở vàng những cánh đồng, khắp các con đường ven núi. Ánh sáng tràn ngập khắp muôn nơi, bảo sao cái vẻ trầm mặc và xam xám của những ngôi nhà ở đây lại được du khách nơi nơi nhận xét bằng hai chữ yên bình. Tôi chở Elise trên chiếc xe đạp của Tí Nị. Các cung đường vòng quanh trải dài nhưng không khiến người ta mệt mỏi. Tôi dừng xe, ngắt vài cành hoa dã quỳ, xếp thành bó xinh xinh tặng Elise. Cô bạn nhận lấy, cười. Nắng đầy trong mắt cô bạn. Khoảnh khắc ấy, không dưng tôi nghĩ ở đây có tới hai mặt trời.

Nhìn thấy chúng tôi dựng xe ngoài sân, ba gọi Elise, nói rằng có một bưu thiếp gửi đến cho cô bạn. Ai biết cô bạn đang ở đây mà gửi bưu thiếp cơ chứ? Ai có thể “mạo hiểm” gửi bưu thiếp đến một địa điểm “tạm trú” như thế này? Nhỡ đâu cô bạn đã rời đi thì sao?

Xem chừng Elise chẳng ngạc nhiên chút nào. Cô bạn nhận bưu thiếp từ tay ba tôi, cúi đầu cảm ơn rồi ra ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây, bắt đầu đọc và vu vơ cười.

“Bưu thiếp từ Sing. Tớ tự gửi cho chính mình đấy!” – Elise trả lời như thế cho câu hỏi trong lặng yên của tôi. Hóa ra trước khi rời khỏi vùng đất nào đó, cô bạn có thói quen mua một chiếc bưu thiếp, ghi vào đó kỉ niệm đáng nhớ và gửi đến địa chỉ của mình ở nơi mới.

Tôi tự hỏi không biết sau khi rời khỏi Đà Lạt, cô bạn sẽ viết gì vào sau tấm bưu thiếp và sẽ gửi nó đến địa chỉ nào, ở đâu. Điều ấy khiến tôi bất giác thấy buồn. Thực tế là chúng tôi sẽ phải chia tay, và rất lâu sau nữa mới có dịp gặp lại. Mà cũng có thể, là chẳng khi nào.


4. Buổi tối trước ngày Elise đi, cô ấy bảo muốn cùng tôi uống cà phê lúc chiều muộn. Tôi chui vô góc của ba, tự pha hai cốc cà phê nhiều sữa. Cô bạn không nên uống quá nhiều cà phê vào bữa nay, thay vào đó là ngủ nhiều và giữ sức khỏe cho chuyến xe vào Sài Gòn ngày mai.

“Tại sao cậu không nghĩ đến chuyện ở lại Đà Lạt, kiếm một công việc nào đó để làm?”

Elise lắc đầu nhè nhẹ.

“Đà Lạt bình yên nhưng tớ còn nhiều nơi chưa đi quá…”

Tôi hỏi về điểm đến tiếp theo thì Elise bảo vào về Sài Gòn rồi mới nghĩ tới chuyện ấy. Tôi muốn hỏi nếu chưa biết điểm dừng chân tiếp theo, sao cô ấy có thể tiếp tục tự gửi bưu thiếp cho chính mình. Nhưng nếu hỏi, biết đâu cô ấy lại nghĩ tôi tò mò hơi quá. Nên thôi.

Trời cũng đã muộn, tôi nhắc cô ấy lên nghỉ sớm.

“Tớ không chắc có tiễn cậu được ngày mai không. Giữ sức khỏe nha!”


5. Vậy nhưng tôi vẫn dậy thật sớm, chẳng cần đồng hồ báo thức. Tôi đưa Elise ra bến xe bằng chiếc xe đạp của Tí Nị. Qua cánh đồng dã quỳ, nhìn đồng hồ vẫn còn nhiều thời gian, tôi dặn Elise đứng chờ rồi chạy thật nhanh hái vài cành vẫn trĩu sương đêm. Elise ôm bó hoa vào lòng. Chúng tôi giữ im lặng trong suốt đoạn đường còn lại.

Ngồi trong phòng chờ, Elise đưa tôi tấm bưu thiệp cô bạn mua ở cửa hàng lưu niệm gần chỗ chúng tôi ở, nhờ tôi mang ra bưu điện gửi giúp. Tôi gật, hứa sẽ gửi ngay trên đường quay về.

Elise đứng lên, bước ra khoảng sân xe khách đang chờ. Cô ấy ngồi vào chiếc ghế ở gần cuối, đặt hành lý gọn nhẹ xuống dưới chân. Tôi đứng bên ngoài cửa sổ, nhìn cô ấy mà chẳng biết nói gì. Xe bắt đầu chuyển bánh, Elise vẫy vẫy tay chào tôi. Cô ấy vẫn cười rất tươi, có vẻ chuyện chia tay, đến rồi đi ở những địa điểm khác nhau như thế này đã trở nên qua quen thuộc với cô ấy.

Nhưng không phải với tôi. Nên tôi buồn. Buồn đến mức đạp xe về gần tới nhà rồi mới nhớ ra bưu thiếp của Elise vẫn nằm trong chiếc túi ở giỏ xe, vội vàng quay đầu xe vòng ra bưu điện. Tôi lật mặt sau tấm bưu thiếp để dán con tem vừa mua. Chợt sững người. Là tên cô ấy: Elise Mercier. Nhưng địa chỉ lại ở nhà tôi. Ở dòng người gửi, cô ấy viết. “Tớ sẽ trở lại. Để nhận bưu thiếp của chính mình. Ở địa chỉ tớ nghĩ mình sẽ còn gắn bó dài lâu. Phan nhận và giữ giùm tớ nhé!”

Tôi ra khỏi bưu điện, thấy trời bắt đầu hửng nắng. Đà Lạt vẫn đang trong mùa khô, mùa dã quỳ nở tưng bừng chờ đón những ngày vui vẻ và ấm áp. Từ đầu tháng trước.

Nhưng tôi nghĩ bây giờ mới thực là mùa nắng của riêng tôi.
SMS Google Facebook Twitter
Cảm nhận về bài viết
Cùng chuyên mục
» Một vụ thua độ
» Mùa nắng Đà Lạt
» Ngôi sao đậu trên nóc nhà
» Thư tình của ông nội
» Nhắn gió mây rằng anh nhớ em...
» Mỉm cười thêm lần nữa
1234...789»
Bài viết ngẫu nhiên