XtGem Forum catalog
  Game Blog Media Story
Top Game 2015
» »
Để hôn em lần nữa - Trần Thu Trang

Để hôn em lần nữa - Trần Thu Trang

Admin 4.5 sao trên 1024người dùng 1137
Truyện Dài


Đăng quan sát thái độ thiểu não của đám sinh viên nữ bằng cặp mắt bao dung khó tin, thậm chí còn thoáng thấy tội nghiệp. Ngay cả anh cũng không thấy vui vẻ gì với những màn xã giao kiểu miền núi này. Nhổm dậy cầm bát rượu đi mời vòng quanh một lượt cho phải phép rồi đến bên mấy cô gái, anh đặt miếng lá chuối đựng một thứ hỗn hợp lổn nhổn không rõ là gì xuống trước mặt họ:

- Các bạn chấm thịt lợn với cái này đi, đỡ ngấy hơn.

Trong khi mấy cô khác còn căng mắt nhìn “món quà” trên mặt chiếu tranh tối tranh sáng với vẻ nghi ngại, Hằng – cô gái chỉ khoác hờ chiếc áo xanh tình nguyện như một vật trang trí bên ngoài chiếc áo hai dây bằng thứ vải bắt sáng – đã bạo dạn ấn hẳn miếng thịt vào giữa nhúm gia vị chấm kia rồi bỏ ngay vào miệng. Gần như cùng lúc, cả Đăng và Phương hốt hoảng kêu lên:

- Cay đấy!

Dù bật ra rất nhanh nhưng hai người vẫn chậm hơn thứ gia vị kia một nhịp. Một hỗn hợp bao gồm ớt khô, tỏi và mắc khén đã kịp xộc vào cổ họng Hằng, làm cô nàng ho sặc sụa rồi nấc liên tục. Cô vừa ho nấc vừa la lối:

- Trời ơi… ặc ặc… sao không nói… hức… sớm.

Nhịp điệu giật cục của câu nói khiến không ai nhịn được cười. Đăng dù cố làm mặt nghiêm cũng phải tủm tỉm. Anh bảo một sinh viên nam chạy vào lấy thêm nước rồi ngồi xuống giữa đám sinh viên cả nam lẫn nữ, bắt đầu thu hút họ vào một bài giảng ngoại ngữ kiêm phổ biến kiến thức ẩm thực địa phương:

- Cái gia vị chấm này tiếng Thái gọi là chẳm chéo, người Kinh hay đọc nhầm là chẩm chéo. Thành phần chính có mắc khén, tức là hạt tiêu rừng, ớt khô, tỏi. Tuỳ cái cần chấm là cái gì mà họ cho thêm những thứ khác.

Một cô đưa một nhúm nhỏ lên nhấm thử rồi phát biểu ngay:

- Hình như có cả rau mùi tàu.

- Đúng rồi, có mùi tàu – Đăng gật đầu xác nhận – Loại này dùng để chấm thịt lợn luộc. Gọi là chéo hòm pẻn.

Được cung cấp thêm kiến thức, đám sinh viên háo hức chấm thử rồi phát biểu cảm tưởng với nhau:

- Ngon phết, mùi nồng lạ lạ.

- Ừ, hạt tiêu rừng thơm nhỉ.

- Các bạn ăn cả lòng xào măng đi, cũng ngon đấy.

- Vâng, thầy cũng ăn đi ạ.

Chỉ vài câu trao đổi qua lại cũng khiến cảm tình của họ đối với Đăng được cải thiện hơn hẳn lúc đi đường. Anh quay sang nhìn Phương, không ngần ngại mỉm cười thêm lần nữa:

- Sao bạn biết là sẽ cay?

- Dạ? – Phương ngớ ra trước giọng điệu và… lúm đồng tiền thoáng hiện ra ở một bên má của vị giảng viên tương lai, mãi mới ngắc ngứ nói tiếp – Tại… em cảm thấy thế thôi ạ.

Rồi không dám đợi Đăng phản ứng hay trả lời gì, Phương vội vã gắp măng xào vào bát rồi và như đói lắm. Cô cứ cúi gằm mặt xuống để muốn giấu gương mặt đỏ bừng mà không biết rằng bóng tối đã làm việc đấy rồi.

Trái hẳn với vẻ e dè của Phương, Hằng và một vài cô khéo miệng liên tục vặn vẹo Đăng về đủ chuyện trên đời, từ món măng này tên là gì, chế biến như thế nào mà lại dai dai và có vị gắt thế, đến “thầy” ở lại trường thì dạy lớp nào, thầy có người yêu chưa. Đăng ngồi ung dung trả lời đầy đủ các câu hỏi cả lặt vặt lẫn hóc búa của đám sinh viên nữ, lúc thì khiến họ cười ồ vì kiểu nói đùa tỉnh bơ, lúc lại khiến họ ngạc nhiên bởi những kiến thức mà người ta ít kỳ vọng ở một sinh viên vừa tốt nghiệp… Một lát, cảm thấy việc bồi đắp cảm tình như vậy là đủ, anh co chân lên nhổm dậy. Ngay lập tức, đám sinh viên cả nam cả nữ nhao lên:

- Thầy đi đâu ạ?

- Thầy ngồi đây với bọn em cho vui.

- Thầy ăn cái này đi ạ. Nãy giờ thầy chưa ăn…

Bao nhiêu níu kéo chân thành nhõng nhẽo khiến việc trở về chỗ cũ bên cạnh thầy trưởng đoàn trở nên một nhiệm vụ bất khả thi. Đăng bật cười, thầm nghĩ: Có lẽ phải buông xuôi để mấy đứa quỷ sứ này lôi mình ngồi xuống thôi. Nhưng đúng lúc đó, ánh mắt anh chạm phải một cảnh tượng nho nhỏ, hơi kỳ quặc. Quỳnh, giống như vùng lặng gió trong tâm bão, có vẻ “miễn nhiễm” trước sự sôi nổi của đám bạn xung quanh, đang cắm cúi móc bông bên trong lớp băng ở tay ra, nhét vào tai.

Đã một tuần trôi qua kể từ khi đoàn sinh viên tình nguyện đặt chân tới bản, người dân ở đây không còn nhìn những chàng trai cô gái miền xuôi bằng cặp mắt lạ lẫm nữa. Bọn trẻ con trong bản thậm chí còn thuộc tên và tính nết, thói quen từng người. Anh Trung da đen, cắt tóc rất đẹp nhưng không vui tính tí nào, đứa nào đã ngồi lên ghế cắt tóc mà còn ngọ nguậy sẽ bị anh cốc vào đầu ngay. Anh Bắc gầy nhom thường ngủ dậy muộn nên bị thầy giáo phạt đi dọn vệ sinh. Chị Linh mắt to, hay chăm vườn rau nhưng đến bữa lại chỉ tranh ăn thịt. Chị Hằng rất điệu và sạch sẽ, thường sai các anh xách thêm nước cho chị tắm. Chị Quỳnh thích ăn mặc như con trai, làm việc nặng rất nhiệt tình nhưng bị sốt hai hôm nay rồi…

Những vết sây sát trên tay Quỳnh không nhiễm trùng, cô bị sốt vì mấy ngày liền đội nắng lội nước làm cầu qua suối cho dân bản. Như đã phân công từ nhà, đoàn sinh viên tình nguyện chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất do thầy trưởng đoàn chỉ huy, đảm nhận những việc cách bản khá xa và nặng nhọc như bắc cầu, sửa đường. Nhóm thứ hai do Đăng phụ trách, làm những việc nhẹ nhàng hơn như dọn dẹp nhà cửa cho các hộ neo đơn, tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh… Là con gái, lẽ ra Quỳnh đương nhiên được xếp vào nhóm thứ hai, chỉ phải ở lại ở lại trong bản, làm những công việc tương đối nhẹ nhàng như dạy múa hát cho đám trẻ con hay phát thanh tuyên truyền vệ sinh. Nhưng phần vì một cậu bạn bị trượt chân bong gân khi lội suối, phần vì cô muốn tránh mặt Đăng nên xung phong nhận việc ở ngoài suối. Sau hai lần tạm gọi là va chạm trên đường xuống bản, giữa cô và anh ta rõ ràng đã tồn tại một cái hàng rào gai mang tên định kiến. Nếu cô vẫn lớ xớ trong tầm mắt của anh ta, ai dám đảm bảo sẽ không còn sự cố vớ vẩn nào nữa!

Thế nhưng cái nóng từ áp thấp phía Tây cùng với cái lạnh của nước chảy từ khe núi đã khiến Quỳnh chỉ tránh mặt Đăng được vài ngày. Chiếc cầu gỗ còn chưa bắc xong, cô đã lên cơn sốt. Buổi chiều từ suối về, trán cô mới hơi ran ran. Nhưng đến tối muộn, khi cả lũ bắt đầu bôi kem chống muỗi đi ngủ, Phương vô tình chạm vào vào tay Quỳnh và phát hiện ra người cô nóng giãy. Vậy là hôm sau, khi nhóm thứ nhất tiếp tục với cây cầu và nhóm thứ hai tiếp tục với chương trình sinh hoạt hè cho trẻ con, Quỳnh phải ngồi sau xe của một anh trong bản, lên trạm y tế xã.

Nhờ động cơ 110 phân khối của chiếc xe máy Tàu, con đường từ bản ngược ra trung tâm xã hôm nay như ngắn lại. Cơn sốt đã làm đầu óc Quỳnh ong ong, những góc cua gấp lại càng khiến cô nôn nao, may mà Bình – người chở cô – quen đường nhưng không đến nỗi phóng ẩu. Uống xong mấy viên hạ sốt và vitamin mà bà y sĩ ân cần đưa tận miệng, cô ngồi mớm lên thành giường, chờ Bình quay lại. Nhưng nửa tiếng rồi một tiếng trôi qua, liều thuốc vừa uống bắt đầu phát huy tác dụng, Quỳnh buồn ngủ rũ ra mà vẫn không thấy bóng dáng Bình đâu. Kim đồng hồ miệt mài nhích về phía buổi trưa, bà y sĩ đã chạy về nhà lo cơm nước cho lũ cháu, trạm xá chỉ còn nắng đang nhảy múa trên những tờ áp phích đã bạc màu, Quỳnh ngả đầu vào tường, lắng nghe sự im ắng, rồi thiếp đi lúc nào không biết.

Chỉ đến khi có tiếng người ồn ào, cô mới giật mình choàng dậy. Bình đang bế một thằng bé chừng ba bốn tuổi lên bậc tam cấp của trạm xá, theo sau là mấy đứa trẻ con nữa và một người đàn ông đứng tuổi. Quỳnh vội vàng đứng lên, vừa đỡ người đàn ông ngồi xuống giường, cô vừa quay sang Bình hỏi xem có chuyện gì.

- Nó chạy trong nhà ra, xe tôi đâm vào.

Thằng bé khóc mếu máo, chẳng biết đau ở những đâu. Người đàn ông đứng tuổi vừa phẩy tay xua đám trẻ con ra ngoài vừa nhìn quanh căn phòng. Quỳnh đón ý, vội nói:

- Bà Muôn về nhà rồi, mười hai giờ mới quay lại cơ ạ.

Ông ta gật đầu, quay lại nhìn thằng bé, lẩm bẩm gì đó. Quỳnh nhìn Bình dò hỏi nhưng anh ta lắc đầu. Cô đành quay sang người đàn ông, mạnh dạn nói:

- Cháu xem cho em, được không ạ?

Người đàn ông nhìn Quỳnh bằng cặp mắt e ngại. Trong thoáng chốc Quỳnh nghĩ, có lẽ ông ta không hiểu câu hỏi. Nhưng rồi ông ta cũng gật đầu. Cô ngồi xuống giường, bế thằng bé đặt vào lòng rồi cẩn thận sờ nắn khắp người nó. Sờ nắn mãi mà không phát hiện ra chỗ đau, thằng bé thì vẫn gào khóc chứ không chịu nói, Quỳnh ngẩng lên nhìn Bình, hỏi nghiêm khắc:

- Anh chẹt qua nó à?

- Không, không phải mà. Tôi phanh lại rồi, nó va vào xe, ngã xuống thôi.

- Nó có bị đập đầu không?

- Không.

- Không bị đập đầu đâu – người đàn ông lên tiếng xác nhận.

- Thế nó ngã như nào?

- Như là ngồi xuống ấy mà.

Câu nói tưởng như qua quýt của Bình làm Quỳnh chợt nghĩ ra. Cô lật thằng bé nằm sấp xuống, kéo quần đùi của nó ra và xem xét kỹ hơn. Không phải mất nhiều thời gian, cô thấy ngay mấy chiếc gai đang cắm sâu vào mông thằng bé. Xử lý cái mông trẻ con bị gai đâm chảy máu thì chẳng cần đến y sĩ của xã, Quỳnh cũng có thể làm tốt. Cô lấy kéo nhổ sạch gai, bôi cồn i ốt và băng cho thằng bé, thao tác gọn gàng chính xác, thái độ dỗ dành nhẹ nhàng, cứ như một y tá khoa nhi chính hiệu. Chỉ lát sau, thằng bé đã nín khóc, bắt đầu ngọ nguậy sờ mó mọi thứ đồ đạc trong trạm xá. Người đàn ông thấy vậy liền túm tay nó lôi ra cửa. Và chỉ đến lúc này Quỳnh mới nhận ra, ngoài Bình và bố con thằng bé, còn có một người đã đứng ngoài quan sát hết màn thao diễn kỹ thuật sơ cứu của cô…

Vị khách dự giờ đột xuất vươn tay đẩy cánh cửa cho nó mở rộng ra rồi lùi một bước nhường lối cho người đàn ông và thằng bé. Quỳnh nhìn sững anh ta. Trán, mắt, miệng… từng chi tiết nhỏ trên khuôn mặt hơi cúi xuống kia đều in đậm hai chữ vô cảm. Rồi anh ta ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên và câu chào đầy bối rối của cô, hai khoé môi khẽ nhếch về phía mang tai tạo ra một nụ cười hờ hững trước khi mấp máy phát ra một câu ngắn gọn, khô khan:

- Tôi đến lấy tài liệu tuyên truyền.

- Mọi người đi vắng hết rồi – Bình nhanh nhảu thông báo.

Sau hai tiếng “thầy ạ” cụt lủn, Quỳnh chẳng biết phải nói gì thêm. Cô cứ đứng đó, tay vịn hờ lên thành giường, hết nhìn Bình lăng xăng kéo ghế rót nước lại ngắm cái cây xiêu vẹo bên cổng rào. Những lời trao đổi bâng quơ của hai người trôi tuột qua tai cô, cho đến khi một trong hai người nhớ ra sự có mặt của cô. Thật may, người đó lại là Bình. Anh trai bản đứng dậy, niềm nở nhường ghế:

- Quỳnh ngồi xuống đây này.

- …

- Quỳnh?

Quỳnh vẫn không trả lời. Cô đang mải mê nhìn mấy con gà bới đất trong bóng râm của cái cây. Người còn lại quyết định đã đến lúc mình phải lên tiếng. Anh ta gọi giật giọng:

- Quỳnh!

- Dạ? – cô gái lập tức bỏ rơi lũ gà, quay nhanh vào.

Ánh mắt hơi hốt hoảng của Quỳnh dường như làm tác giả câu gọi giật vừa rồi có phần hối hận. Anh ta chỉ chiếc ghế trước mặt, dịu giọng:

- Anh Bình mời bạn ngồi. Bạn ngồi xuống đi.

Câu nói chậm rãi, bình thản, ít nhiều mang vẻ ân cần này hình như có chút tác dụng ổn định tinh thần. Ít nhất nó cũng kéo suy nghĩ của Quỳnh về với thực tại. Cô “vâng” một tiếng ngoan ngoãn nhưng không răm rắp ngồi xuống chiếc ghế Bình nhường, cũng không đứng nguyên chỗ cũ, mà chậm rãi vòng qua đầu giường, ngồi ghé xuống bên chiếc gối vải hoa đã sờn. Chọn vị trí này, cô không phải đối diện với Đăng (đúng vậy, chính anh ta) ở khoảng cách quá gần như ngồi ghế, cũng không trở thành một mục tiêu đập vào mắt như khi đứng gần cửa. Cô định tiếp tục theo dõi hành tung của lũ gà con, nhưng những bước chân vội vã của bà y sĩ đã xua chúng chạy mất. Vào trong trạm xá, bà vừa với tay bật nấc quạt to nhất vừa nhìn Quỳnh, hỏi han xởi lởi:...
♥ Đánh dấu trang này
«123456...17»

SMS Google Facebook Twitter
Cảm nhận về bài viết
Cùng chuyên mục
» Hoàng tử Lạnh Lùng & Công chúa TomBoy
» Nếu có một linh hồn yêu em - Ngô Hoàng Anh
» Ký Ức Yêu - Kawi Hồng Phương
» Đồ tồi ! Tôi yêu anh - Nguyễn Bích Hồng
» Về nơi đáy mắt trong - Leng Keng
» Này anh! Tôi không phải là ôsin - Hà Cindy
1234567»
Bài viết ngẫu nhiên
» Chênh vênh hai lăm - Nguyễn Ngọc Thạch
» Để hôn em lần nữa - Trần Thu Trang
» Đồ tồi ! Tôi yêu anh - Nguyễn Bích Hồng
» Hãy để tất cả theo gió bay đi - Kì 2
» Hãy để tất cả theo gió bay đi - Kì 3
» Hãy để tất cả theo gió bay đi - Kì 4
123456»