Nhưng có lẽ Đăng không muốn tỏ ra tôn trọng nguyện vọng của một sinh viên nữ ngông nghênh gàn dở. Thay vì bỏ vào trong như Quỳnh thầm kêu gọi, anh ta lại bước xuống khỏi hàng hiên, đến gần chỗ cô hơn.
- Muộn lắm rồi, bạn còn đứng đây làm gì? – Đăng hạ thấp giọng, và còn hạ thấp hơn nữa khi cố nói thật nhanh câu tiếp theo, một câu trống không – Đã hết sốt chưa?
- Thầy định đi đâu ạ? – Quỳnh trả lời Đăng bằng một câu hỏi khác, lễ phép không chê vào đâu được.
Câu hỏi tưởng như chỉ là một lời chào tầm thường bỗng làm Đăng đầu tiên thì ngắc ngứ, sau đó thì đâm quạu. Anh đã mở lời hỏi thăm tử tế thế rồi mà cô ta cứ bơ đi là sao?! Phải mất mấy giây sau, anh mới lấy lại bình tĩnh để đáp trả bằng một câu hỏi khác, hơi mát mẻ:
- Tôi có cần phải khai báo với bạn không nhỉ?
- Chắc là… không cần ạ – Quỳnh ngập ngừng, vẻ mặt lộ rõ là đang đề cao cảnh giác.
- Bạn biết vậy thì được rồi. Mau vào ngủ đi!
Quỳnh chẳng có lý do gì mà không “vâng” một tiếng rồi quay người đi vào. Đứng ì ra trước ánh nhìn soi mói của anh ta đã chả mấy dễ chịu, cô lại còn bị muỗi đốt cục cả chân nữa chứ. Nhưng không hiểu vì khung cảnh thanh vắng của đêm hay vì cảm giác nhớ nhà mà Đăng lại trở nên cởi mở hơn bình thường. Anh sải bước để đi lên song song với Quỳnh, biểu hiện lừng khừng như định nói thêm điều gì. Quỳnh nhìn sang, thoáng ngạc nhiên vì thái độ gần như thân thiện và có phần hơi lúng túng của Đăng. Cô dừng lại, hỏi nhẹ nhàng:
- Có chuyện gì nữa không ạ?
- Ừm… – Đăng gật đầu.
Kiểu ậm ừ của Đăng khiến cái đầu lắm liên tưởng của Quỳnh hoạt động thật nhanh. Có lẽ anh ta cắn rứt lương tâm đôi chút vì đã để cô xuống xe đi bộ dưới trời mưa, làm cô ốm thêm chăng… Chẳng kịp nghĩ gì sâu hơn, cô buột miệng:
- Thầy không phải áy náy vì chuyện lúc trưa đâu ạ. Em không sao.
- Tôi không định nhắc chuyện lúc trưa – Đăng đột nhiên gắt nhỏ.
- Ơ… vâng.
Quỳnh đi thật nhanh lên trước để giấu đôi tai đỏ lựng vì tẽn tò và tức tối. Cô chỉ định tỏ ra không hẹp hòi để anh ta đỡ phải ấp úng mãi, thêm khó xử thôi. Ai biết được tự dưng anh ta lại giãy nảy lên như thế chứ. Hừ, tốt nhất là cô đi ngủ! Dính dáng tới ông thầy dở người này thêm phút nào chắc cô chỉ bực mình thêm phút đó.
Nhưng “ông thầy dở người” đang thật sự rất không bình thường. Thay vì để mặc cho cô chạy tót lên hiên, anh ta lại đuổi theo, túm lấy khuỷu tay cô. Cử chỉ có thể gọi là thân mật này đem đến tác dụng như một cú phanh gấp đối với Quỳnh, phanh gấp cả chân tay lẫn đầu óc. Cô cứ đứng đờ ra, trố mắt nhìn Đăng, thậm chí không kêu nổi tiếng nào chứ đừng nói đến việc huých cho anh ta một cái hay giằng tay ra. Ở phía đối diện, Đăng cũng không khá hơn Quỳnh là bao. Trong tích tắc, anh quên bẵng lý do dẫn đến hành động bạo dạn của mình, một hành động mà ngay cả trong mơ anh cũng chưa gặp bao giờ: túm lấy tay một cô gái mình không hề có cảm tình, lại đang coi mình là thầy…
Một người thì quên mất rằng mình giữ tay đối phương để làm gì, một người thì không nhớ là mình phải giật tay ra, cả hai chắc sẽ còn đứng giữa sân trường cho đến khi cùng hoá đá nếu như không có ai đó xuất hiện. Chẳng biết là may hay không may, người đóng vai nhân chứng của cái cảnh dễ gây hiểu lầm này không phải thầy trưởng đoàn xuề xoà nhưng cũng nhiều nguyên tắc đạo đức, cũng không phải một sinh viên nam to mồm vô tư hay một sinh viên nữ ưa bép xép đơm đặt, mà là Phương – cô bạn quan tâm lo lắng cho Quỳnh nhất và cũng là cô sinh viên được Đăng (dường như) ưu ái nhất trong suốt mấy ngày qua.
Dù Đăng và Quỳnh đã bừng tỉnh, đã nhanh chóng tạo một khoảng cách hợp lý hơn giữa bàn tay người này với cánh tay người kia, cử chỉ cũng như vẻ mặt không mấy tự nhiên của họ vẫn đưa đến cho Phương rất nhiều suy luận. Nụ cười luôn thường trực trên gương mặt bầu bĩnh tắt ngấm từ bao giờ, Phương cứ đứng ở hàng hiên, nhìn xuống chỗ hai người, cặp mắt ngỡ ngàng thấp thoáng cả những cảm xúc cô chưa từng gặp: tổn thương và ghen tị. Quỳnh không đọc được hết những gì hiện lên trong đôi mắt đã tối lại của Phương, cô chỉ biết rằng mình đang ở trong một tình huống hiểu lầm tai hại. Đến đứa thờ ơ nhất trong đám con gái cũng biết là Phương có cảm tình đặc biệt với thầy Đăng, huống chi cô, người mà nó vẫn coi như chị em, luôn tranh thủ kể lể tâm tình… Chẳng nghĩ thêm gì nữa, Quỳnh chạy vội lên hiên, kéo bạn vào trong.
- Có chuyện gì thế? – Phương hỏi, mắt vẫn hơi liếc về phía sau, bối rối.
- Vào đã, rồi tớ kể sau – Quỳnh nói nhanh, cũng chẳng bình tĩnh gì hơn.
Rồi hai cánh cửa sơn xanh cũng đóng chặt lại. Ánh đèn sạc lờ mờ và những tiếng càu nhàu nho nhỏ bên trong phòng ngủ của đám sinh viên nữ cũng tắt ngấm. Giữa khoảng sân tối om, chỉ còn Đăng đứng im lặng cùng lũ muỗi và những ý nghĩ hỗn độn. Ở đâu đó phía trên thung lũng, tiếng chim đêm vút lên như một lời trách móc.
Thêm một tuần nữa trôi qua, những công việc giúp đỡ dân bản đã kết thúc, thời gian để đoàn sinh viên tình nguyên lưu lại Tin Tốc lẽ ra đã cạn, nếu như đợt mưa lũ bất ngờ không làm sạt lở mấy đoạn đường núi nối từ bản ra trung tâm xã và từ trung tâm xã ra tỉnh lộ. Mặc cho mọi nỗ lực thông đường của cả thanh niên địa phương lẫn sinh viên tình nguyện suốt mười mấy tiếng đồng hồ, khối bùn đất và những tảng đá hộc vẫn cao ngồn ngộn như một lời thách thức. Thầy trưởng đoàn nhìn bầu trời sũng nước đang tối sụp xuống, ngao ngán ra lệnh cho cả đoàn quay lại điểm trường Tin Tốc. Hai phòng học tưởng đã trở về đúng chức năng vốn có của chúng, giờ lại một lần nữa được thu dọn để biến thành phòng ngủ cho đám sinh viên.
Quỳnh ngồi dậy, mở ba lô, cố gắng không để tiếng sột soạt nhỏ nào phát ra. Mới chín giờ tối nhưng khắp phòng chỉ còn tiếng ngáy nho nhỏ, tiếng thở đều đều. Tất cả đã trải qua một ngày vất vả. Riêng Quỳnh, dù rất mệt sau sáu bảy tiếng đồng hồ liên tục khuân đất đá ở khu vực sạt lở, cô vẫn không tài nào ép mình vào giấc ngủ. Cô không đói, suất ăn lúc chiều gồm bát mì nấu suông và nửa bắp ngô tuy chẳng thịnh soạn gì nhưng cũng đủ để dạ dày ngừng sôi réo. Cô không bị muỗi hay bất cứ loại côn trùng nào khác tấn công, cũng không lạ chỗ ngủ. Thứ làm cô trằn trọc không yên lại chính là sự im lặng, sự im lặng của tất cả đám con gái, kể cả Phương.
Sáng nay, khi thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về, Hằng- người đem theo nhiều đồ đạc đắt tiền nhất- phát hiện ra mình bị mất hai trong ba chiếc thẻ nhớ. Sau một hồi lục lọi, hai miếng nhựa nhỏ mỏng dính buộc với nhau bằng chun ấy được tìm thấy ở một góc phòng, khuất sau chiếc ba lô của Quỳnh. Nếu suy luận một cách thiện chí, đây có thể chỉ là kết quả của chuỗi sự việc trùng hợp ngẫu nhiên, chẳng hạn như hai chiếc thẻ nhớ bị rơi rồi bị đá vào góc phòng trước, sau đó Quỳnh không để ý, quẳng ba lô đè lên… Nói chung, đồ thì đã trở về với chủ, mọi người thì đang bận dọn dẹp để rời bản cho sớm, chuyện thật ra chẳng có gì đáng nói. Thế nhưng, sẵn đã bằng mặt mà không bằng lòng với Quỳnh từ lâu, Hằng làm toáng lên, ầm ĩ đến nỗi đám con trai cũng phải ùa sang xem.
Đúng thời điểm tất cả mọi ánh mắt đều dồn vào một mình mình như vậy, Quỳnh sững sờ nhận ra rằng tình bạn giữa cô và Phương đã rạn nứt quá nhiều. Trước cảnh tình ngay lý gian của Quỳnh, Phương chẳng hé môi lấy nửa câu bênh vực, đến ánh mắt cũng không còn chút tin tưởng nào nữa. Ngay cả khi thầy trưởng đoàn vào phân xử và ra kết luận chấm dứt việc “đấu tố” Quỳnh, Phương cũng không biểu lộ sự mừng rỡ hay chia sẻ, chỉ hành động giống những người khác: im lặng, quay lại với đống hành lý chưa sắp xếp xong. Và đã mười hai tiếng trôi qua, bức tường im lặng vô hình mà Phương cùng mọi người dựng quanh Quỳnh vẫn sừng sững hệt như đống đất đá sạt lở đang án ngữ giữa đường, không cách gì lay chuyển.
Quỳnh lục ba lô lấy điện thoại, ngón tay cái nấn ná trên bàn phím mãi vẫn không biết phải nhắn gì cho Phương. Chuyện gẫu ư? Suốt một tuần nay, những tin nhắn nói chuyện tầm phào của Quỳnh chỉ được đáp lại một cách gượng gạo, miễn cưỡng. Tâm sự ư? Những câu tâm sự luôn bị tổng đài ngắt thành hai, ba tin nhắn liên tiếp của Phương và những lời quân sư quạt mo cũng lê thê không kém của Quỳnh đã ngừng bặt kể từ một tuần trước. Giải thích ư? Quỳnh biết giải thích sao nữa đây? Chuyện hai chiếc thẻ nhớ thì cô chẳng biết gì để phân bua, còn chuyện một tuần trước với Đăng thì cô đã mất cả đêm và non nửa tiền trong sim điện thoại để vừa kể tường tận vừa trấn an rồi mà Phương…
Nếu như không có sự cố thẻ nhớ vừa rồi, chắc Quỳnh vẫn đinh ninh là Phương đã hiểu và tin lời giải thích của cô, rằng cô và vị giảng viên tương lai đẹp trai mà nó hết sức ngưỡng mộ chẳng có chút cảm tình nào với nhau, rằng việc cô đứng sát bên anh ta, sát một cách bất thường, chỉ là một khoảnh khắc tình cờ. Mãi đến sáng nay, khi Phương im lặng vào đúng lúc cô cần nó lên tiếng nhất, Quỳnh mới vỡ lẽ, thì ra cô đã suy nghĩ quá đơn giản. Cô đã vô tư đến mức vô tâm, chẳng biết những lời giải thích quá thật thà của mình đã đưa đến cho bạn những cảm xúc ấm ức, hờn ghen. Cũng phải thôi, một đứa vẫn bị chê là tồ và hâm hấp như cô làm sao thấu hiểu được tâm trạng của Phương- một thiếu nữ giàu tình cảm đã bắt đầu biết thế nào là rung động.
Giờ thì mọi thứ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Quỳnh. Sự im lặng, giống như lời kết tội nặng nề treo lơ lửng trên đầu chẳng biết bao giờ thì rơi xuống, làm cho mọi mạch máu trong đầu cô căng lên, mệt mỏi rã rời nhưng lại không thể ngủ, dù chỉ là một giấc ngắn chập chờn.
- Ngột ngạt quá! – Quỳnh nói một mình trong bóng tối.
Ngay sau đó, giống một kẻ mộng du, cô vùng dậy, đi như chạy ra khỏi phòng.
*
Đăng buông lỏng những ngón tay, chiếc điện thoại rơi xuống vạt cỏ ướt đẫm. Những âm thanh trả lời tự động đặc trưng của nhà mạng vẫn vọng lên rõ mồn một: Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được… Cúi đầu nhìn đám cỏ đang được màn hình điện thoại chiếu ánh sáng xanh yếu ớt, anh thở dài, cảm giác nhẹ nhõm dần dần dâng lên trong cái đầu vẫn còn đang chếnh choáng vì mấy chén rượu ngô “uống cho ấm người” của ông trưởng bản. Anh sẽ không “vui lòng gọi lại sau” theo sự chèo kéo của giọng nói vô cảm được cài đặt sẵn, thậm chí còn thấy biết ơn vì nó đã vang lên. Bởi nếu đầu bên kia có tín hiệu, có người thưa máy, Đăng cũng chẳng biết phải nói gì. Gần hai năm trôi qua, anh và chủ nhân số điện thoại ấy cũng đã xa nhau đủ lâu để trở thành hai kẻ lạ rồi.
Giữa lúc những kỷ niệm ngắn ngủi của mối tình đầu kết thúc không có hậu vẫn luẩn quẩn trong đầu, Đăng chợt nghe thấy tiếng chân càng lúc càng bước gần về phía mình. Trong khi anh còn đang phân vân không biết nên cúi xuống nhặt điện thoại và bật màn hình sáng lên hay lặng lẽ tránh ra chỗ khác, tiếng chân đã dừng lại, rồi nhanh chóng biến thành những tiếng thở dài, thật dài.
- Sao thế Quỳnh? – Đăng vừa cúi xuống nhặt điện thoại vừa hỏi độp một câu.
Không thể gọi là giật mình hay hoảng hốt, cảm xúc của Quỳnh lúc này phải diễn tả bằng từ “đứng tim” hoặc “khiếp đảm” mới chính xác. Cổ họng cô tắc nghẹn, đôi môi mấp máy mãi mới thốt ra được mấy lời rời rạc:...