Mấy ngày sau tôi thấy ông già đang lom khom lau chùi lại bàn ghế.
Quán Nhớ mở lại rồi hả tía ?
Rảnh ghé quán uống ly café nghe con. Tôi đang vội nên khất đến chiều sẽ quay lại. Nhìn ra phía sau chiếc xe café có bóng một người đàn bà tóc búi cao, bàn tay gầy nổi đầy gân xanh đang cầm cục phấn gò lại tấm bảng Nhớ.
Sao tía hổng mướn tiếp viên nào trẻ trẻ chút xíu, mướn cỡ tía ai thèm coi
Bậy mày, tình cũ của tao đó, già mà còn đẹp-Ông Sáu cười mãn nguyện, lần đầu tiên tôi thấy ông già hân hoan giống con nít. Có tình yêu con người ta giống mảnh đất cằn cỗi đang hồi sinh.
Không thấy ông già qua mua bánh mì không của Tám giống mọi lần, hỏi sao kỳ vậy, ông già phân trần
Chiều nay tao dẫn cổ đi vô quán cháo lòng của ông Bảy, bánh mì hoài chịu sao thấu- Nhìn qua thấy Tám quay đi…
Lúc rảnh ông già Sáu ngồi chải tóc kể lại cho Xuân nghe những kỷ niệm giữa ông và Xuân, mà kỳ mỗi lần kể là Xuân lại khóc, hỏi sao khóc Xuân nói ‘’ Tôi tội cho hai người trong câu chuyện’’ Ông già nhìn ra ngoài ngỏ khắc khoải ‘’ Ờ tội thiệt…’’
Một buổi chiều, nắng dịu dàng, ông già đọc báo, đọc đến mẩu tin có dòng đề: Con trai Nguyễn Văn Nhớ tìm mẹ là Phạm Thị Xuân bị bệnh lãng trí, đi lạc… ai biết xin liên lạc địa chỉ…Ông già chạy đi lấy cây kéo, tay run run cắt mẩu tin, xếp nhỏ làm đôi bỏ vô túi áo, cẩn thận gài nút lại. Ông nhìn lên dây điện, hai con chim sẻ se đang nói gì với nhau mà một con bay đi, một con cô độc đậu lại không chịu bay, hình như nó còn đang chờ con kia quay lại…Nắng tắt, trong đôi mắt ông già có nước.
Mấy tuần sau ông già Sáu lại biến mất, chiếc xe bánh mì của bà Tám cũng biến mất, họ rũ nhau đi đâu không ai biết. Vô nhà ông Sáu, đèn tối thui, nhà của Tám cũng tối thui, hổng lẽ hai ông bà rủ nhau ra hành tinh khác sống. Hôm ra ngõ nghe đồn Tám đang nuôi bệnh ông Sáu trong bệnh viện.
Tôi lật đật chạy vô bệnh viện coi sao, ông Sáu nằm co ro trong bộ đồ xanh sọc rộng thùng thình, chiếc giường có vẻ quá rộng so với cơ thể còi cộc, nhỏ thóm của ông già.
Sao ra nông nổi vậy nè tía? Tôi vừa nói vừa thấy nghẹn lại trong cuống họng vị đắng đót khó tan giống café ông già hay pha. Tám đang hiu hiu ngủ gục bên bàn cũng giật mình quay qua.
Mấy đêm không ngủ làm Tám nhìn già đi nhiều. Thấy tôi ông già cố cười mà nụ cười méo xẹo.
Tôi nhìn quanh phòng, nhìn hết bốn góc, ngó xuống sân bệnh viện, nhìn ra ngoài lan can, ông già biết tôi tìm gì nên nói ‘’Thôi mày khỏi tìm, hổng có đâu mà tìm’’ Giọng ông già buồn buồn.
Tía thèm gì nói con chạy đi mua
Tía thèm điếu thuốc quá con, mày cho tía một điếu
Tám nạt ‘’ Bác sĩ cấm ông hút thuốc rồi mà, sao xin hoài vậy’’
Tôi nhìn ông Sáu thèm nhỏi dải mà cũng không thể chìu ổng
Con cho tía hút, rồi lỡ tía….Tôi bỏ lững câu nói, Tám ngồi bó gối, đôi mắt buồn so
Mày lo tía chết phải hông con, làm người thì cũng phải chết chứ mạy, sống ngoài thành quỷ rồi sao…
Tám chịu hổng nổi phải bật khóc, tiếng khóc đặt sệch nổi đau của Tám làm bác sĩ tưởng ông già Sáu hay tíu táo phòng số 10 đi rồi. Nhưng lát sau nghe ông già la làng ‘’ Tôi còn sống mà có chết đâu !’’.
Hôm Sài Gòn mưa tầm tã cũng là ngày ông già hấp hối, Tám chạy kiếm tôi, quần áo ướt sũng, kêu mếu máo ‘’ Ông Sáu kỳ này chắc hổng xong quá con ơi’’
Hổng lẻ đến ngày ông già phải đi thiệt rồi sao. Tay tám run run thọt vô túi áo lấy ra mảnh giấy báo
‘’ Mày cầm, kiếm cho ra người đàn bà này, mau lên con, không là hổng còn kịp nữa’’
Tôi đội mưa chạy xe 20 cây số đi tìm cái người tên Xuân, trong lòng thất thõm sợ ông già chờ không nổi. Chờ không nổi cũng phải chờ, chờ nửa đời rồi chờ thêm chút nữa mà chờ hổng được sao tía…Hôm đó lần đầu tiên tôi biết nước mưa có vị mặn chát của muối.
Khuôn mặt người đàn bà ánh lên một nổi đau khó tả, giống kẻ choàng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài khi nghe tin dữ. Hành lang bệnh viện hôm đó đông nghẹt hơi người, vài chiếc băng ca lầm lũi đẩy đi, im lặng.
Xuân vừa chạy vừa khóc, vừa kêu tên ông Sáu. Khi chạy đến phòng của ông già, thì thấy ông đã nằm bất động, Xuân cầm bàn tay lạnh toát của ông già kêu “ Khoan đã anh Sáu, anh khoan đi, để tôi nói với anh điều này đã, là tôi thương anh hết cuộc đời tôi, tôi thương anh giống anh thương tôi vậy đó, mà..có khi còn sâu đậm hơn vậy nhiều..’’
Tám đứng sau lưng, vỗ vai nói nhẹ bâng ‘’ Hồi nãy lúc hôn mê ảnh có kêu tên chị mấy lần ‘’ mà sao tôi thấy nước mắt Tám chạy dài trên gò má, muốn chạy lại ôm mà tôi sợ vòng tay mình quá nhỏ để ôm hết nổi đau của Tám…
Hôm ghé ra đầu ngõ, tạt vô chỗ Tám mua ổ bánh mì. Lúc tôi cầm bánh mì thấy tay Tám run, nhìn xuống mảnh giấy báo gói ổ bánh mì đề dòng chữ in ‘’ Tiễn Biệt Nguyễn Văn Sáu, chủ quán café Nhớ …’’
Tôi nhìn qua góc quán cũ có bức tường rêu bám, lâu lâu ngồi cứ tưởng là phố cổ Hà nội, bây giờ không còn tiếng nhạc rao rát của cái radio cũ mèm, không có cái dáng chậm chạp, khắc khổ của ông già Sáu, nhất là hổng có tiếng cười hồn nhiên như cỏ của ông già.
Quán Nhớ giờ để lại một nổi nhớ miên man, rây rứt. Lâu lâu nghe có ai đó nói ‘’ Chiều nay đi café nhớ để…Nhớ’’.
Sài Gòn lại đi qua một mùa nắng…
Tác giả: Chíp Nguyễn