Cốp.
- Ui da… Giết người à.
Linh hét lên cùng lúc ngã bật ra phía sau theo lực cánh cửa đẩy mạnh. Cô chống tay xuống sàn để có tư thế ngã đẹp nhất có thể theo đúng cái thói quen của “Vua tạo dáng” mà bọn Đăng gà sắc phong từ hồi còn bé tí. Rồi nghĩ thế nào ngay lập tức cô bật ngồi dậy.
- Này! Đi đâu đấy? Không biết xin lỗi à?
Kẻ vừa gây ra tội lỗi to đùng thản nhiên quay lại, tay vẫn cho vào túi quần, hắn nhíu mày nhìn Linh như muốn chứng minh mình hoàn toàn vô tội. Linh trố mắt nhìn hắn. Gã ta nhởn nhơ nhìn Linh ngã oành ra đất rồi lại nhởn nhơ đi thẳng như không.
Cái mặt đó nhìn từng milimet đều… đáng yêu không chịu được.
Không ai biết, con bé đang trong trạng thái bất động. Mái tóc màu café xoăn tít khiến hắn đặc biệt hơn tất cả lũ con trai Linh từng gặp. Cánh mũi cao và đôi môi hơi vênh lên càng tôn thêm vẻ đẹp trai ấn tượng của hắn, tên tội đồ cô không tiếc lời mắng nhiếc trong thâm tâm nãy giờ. Linh hết lè lưỡi rồi lại cắn môi. “Trời, sao đẹp trai dữ vậy. Chết, suýt nữa thì chửi rủa ầm ĩ. May quá mới chửi có câu vẫn may chán, không thì lại bô bô sỉ nhục cái đẹp rồi”. Linh mơ màng cười thầm với suy nghĩ của bản thân.
Hắn, tên tội đồ lại nhíu mày nhìn đứa con gái dở hơi ngồi bệt dưới đất rồi quay lưng định bước tiếp. Linh giật mình gọi giật lại.
- Ơ… Này, này… Đi đâu? Đi đâu đấy?
- Vệ sinh
- Ơ… Tớ…
Linh luống cuống chữa thẹn. Con bé vội cao giọng để che đi sự xấu hổ của mình.
- Sao không xin lỗi hả? Không thấy đẩy tôi bị ngã hả?
Linh múa may rồi nhìn lại cánh cửa vừa bật ra mới sực nhớ ra mình vừa ngủ gật lù lù ngay cạnh cánh cửa nhưng dù vậy vẫn nhất định phải xin lỗi chứ.
- Ừ thì… ừ thì tôi cũng có lỗi nhưng mà vẫn phải xin lỗi một tiếng chứ? Cứ đi thế hả?
- Không quen.
Tên tội đồ đáp lại cả một câu dài ngoằng lấy hết dũng khí của Linh bằng hai từ gọn lỏn hoàn toàn không chút hối lỗi. Gương mặt hắn nhìn Linh nhếch mép cười rồi đi thẳng, vẫn bỏ tay vào túi quần mặc cho Linh vẫn luôn miệng:
- Này này, cậu gì… cậu gì ơi.
Cứ thế mà đi à. Kì cục chết đi được. Sao ngày đầu tiên đi học đã gặp toàn người kì cục thế này hả trời.
Vừa lúc đó thì Đăng gà thò đầu ra cửa, nhăn mặt nhìn bộ dạng thảm hại của Linh hất hất tay:
- Vào lấy cặp, về thôi!
- Đã nghe thấy trống đâu mà nghỉ?
- Lạy mẹ! Đây không phải cấp 3 nữa đâu ạ! Vào lấy ba lô đi.
- Ba lô theo tên trộm rồi còn đâu! IQ mày chạm mốc zero quá à! Đi
Linh đập mạnh vào đầu Đăng gà khiến hắn tru tréo, rồi mặc kệ thủng thỉnh đi thẳng về phía thang máy, đầu óc vẫn quay cuồng gương mặt đẹp trai của tên tội đồ đáng ghét ban nãy. Rồi đi chậm lại, hắn kéo Đăng già chạy vù vù lại thang máy bên trái.
- Mày nhìn…
- Ờ… Vẫn nhìn.
- Thằng này… Nói nhìn cho tao xem nó có khác gì các thang máy khác không mà lão thầy lắm râu đó nói tao tranh của lão.
Đăng gà thở dài, đập lên đầu con bạn chí cốt rồi túm đầu Linh dí sát vào cái biển bên trái: “Thang máy phục vụ cán bộ công nhân viên”.
- Trời….
Tiếng kêu của Linh khiến cả lũ sinh viên bên cạnh nãy giờ vẫn tò mò nhìn hai đứa chả hỏi cũng biết sinh viên năm nhất lớ ngớ, dí mặt vào thang máy được phen trố mắt. Linh nhận thức được tình hình có vẻ muộn, cô cúi mặt, che tay nói nhỏ với Đăng gà:
- Mày ơi! Tao thề! Tao thề! Mấy tiếng trước ở đây không có cái biển này! Không nhìn thấy! Thật luôn! Mày tin tao đi! Thề mà! Huhu.
- Thôi đi! Mày đừng hâm nữa! Về nhà!
Đăng kéo áo Linh quay ngắt lại, ai ngờ phía sau hai đứa, vị thầy giáo lắm râu đang đứng chềnh ềnh như tượng đồng. Linh á lên một tiếng bàng hoàng trước khi bị Đăng gà kéo lết đi với đôi dép rách. Cô cúi xuống nhặt chiếc dép vừa rơi ra luống cuống nhét vào ba lô của thằng bạn, chạy thẳng không thèm quay lại nhìn. Mặc kệ phía sau cô đám đông đang được trận cười tha ga với con bé dở hơi. Thầy Lâm quay lại nhìn đám sinh viên ở thang máy bên cạnh, nhíu mày. Tiếng cười nói tắt ngụm như lửa bị cả thác nước lũ dội tới. Tiếng tăm của ông Lâm “sát thủ” cả trường này ai mà không biết.
Tháng 8, thời tiết đỏng đảnh như cô nàng mới lớn lúc nắng đến tắc thở lúc mưa bão ngập cả đường. Bá Lâm lững thững đi dưới sân trường. Tiếng la hét cười đùa của mấy đứa sinh viên ngay sát nhà xe khiến anh không lấy gì làm thoải mái. Rặt một lũ vô dụng, không ước mơ, không định hướng cũng không biết đấu tranh cho ước mơ của mình. Với Bá Lâm cái nghề giáo này nó nhạt hơn bát nước ốc pha thêm cả tỉ lít nước lọc nữa cũng nên. Anh lững thững tiến lại, mở cửa xe. Một chút bất ngờ, Bá Lâm đưa đôi mắt mệt mỏi, bất cần nhìn kẻ lạ mà quen mặt đang ngồi lù lù trong xe mình. Anh thở dài bước vào ghế lái:
- Đến lúc mày nên trả cái chìa khóa dự phòng đó cho tao rồi đấy! Xuống xe đi! Còn ngồi đó làm gì?
- Mệt!
- Ba không để cho cậu út quý tử đi bộ đâu. Đừng lừa tao. Xuống xe đi. Tao còn về.
- Tôi muốn về thăm mẹ cả.
- Nhưng mẹ tao không muốn.
- Chạy xe đi. Tôi vừa gọi điện cho mẹ cả rồi. Nếu anh về không có tôi thì coi chừng ăn đòn nhừ tử.
Bá Lâm nhìn cậu em trai đang lim dim ngủ ngán ngẩm. Đã nắng còn toàn gặp chuyện xui xẻo.
Minh Duy ấn nút mở cửa xe để gió tạt vào. Khoảng không trống vắng giữa hai anh em họ vốn chưa bao giờ được xóa nhòa. Chỉ là cả hai đều không quan tâm đến điều đó. Họ ngồi gần nhau, rất gần nhưng chìm đắm trong thế giới của riêng mình, hoàn toàn không hề quan tâm đến người còn lại. Đột nhiên Bá Lâm lên tiếng:
- Sao hôm nay lại chui vào lớp tao?
Minh Duy cười nhạt nhẽo rồi nói nhỏ:
- Học lại. Sao? Sợ dạy chán tôi nói lại với ba hả? Mà anh hành sinh viên cũng ác thật! Tiếng tăm nổi như cồn.
- Việc của tao tốt nhất mày đừng quan tâm. Cắt tóc ăn mặc cho tử tế. Tao có thể tống mày ra khỏi lớp bất cứ lúc nào đấy.
Minh Duy lại cười, vẫn nụ cười nhạt thường lệ, mắt vẫn khẽ lim dim đón những cơn gió hiếm hoi tạt qua:
- Anh quên được đuổi ra khỏi lớp là niềm vui của tôi à. Bao giờ thầy giáo còn râu tóc dài thượt thế này thì cái đầu này có đáng là gì đâu nhỉ?
- Đừng quên mày là con ai. Chẳng hay ho gì chuyện bỏ học đâu.
- Chả liên quan.
Ừ thì chả liên quan.
Bá Lâm lẩm bẩm rồi rẽ quặc chiếc xe vào ngõ nhỏ. Ngôi nhà ba tầng nhỏ nhắn, khiêm nhường nơi khu phố nhiều cây xanh và khá mát mẻ. Mỗi lần chỉ cần lái xe về đến đây thôi Lâm lại thấy cuộc sống đáng sống hơn chút ít dù rằng động lực trong anh đã cạn khô rồi. Bá Lâm xách cặp, bước chậm vào nhà.
- Mẹ! Con về rồi!
- Biết rồi! Khổ lắm. Mẹ nghe tiếng từ tít đầu ngõ rồi!
Người đàn bà nhỏ nhắn trong bộ quần áo lụa màu mận làm thuê sen làm nổi bật làn da trắng ngần và nét Á Đông đằm thắm. Khi còn trẻ hẳn bà phải là một mỹ nữ ăn đứt mấy cô chân dài bây giờ cho xem. Bà hồ hởi tiến chậm chậm lại, khẽ nắm lấy bàn tay cậu con trai. Bá Lâm lém lỉnh
- Mẹ đừng có mà xạo nha. Từ tít đầu ngõ nghe thế nào được. Con không tin.
- Chả bố anh. Mắt tôi mờ nhưng tai tôi thính gấp mấy lần mắt các anh các chị đấy. À à. .. Thằng Duy nó gọi điện bảo sang thăm mẹ. Lâu lắm rồi đấy.
Minh Duy tiến lại bên bà Ánh nói khẽ rất lễ phép, khác hẳn thói quen kiệm lời thường thấy:
- Con chào mẹ cả! Con mới về ạ!
- Tốt quá! Tốt quá rồi. Lại đây mẹ xem con trai mẹ béo ra tí nào không đã nào?
Bá Ánh chầm chậm đưa bàn tay thon thon chạm nhẹ vào mặt Duy. Cảm giác ấm áp chạy dọc sống lưng, nhẹ nhàng tỏa ra như mùi hương dịu dàng của nước lá bưởi mẹ thường nấu cho anh tắm ngày bé. Cái cảm giác êm ái này dù có đi đâu, có xa mẹ bao nhiêu, có phải sống ở một nơi rặt những điều tiếng về mẹ, Duy vẫn tin, tin vào sự hồn hậu, dịu dàng và thương yêu quá đỗi ở bà.
- Chà! Vẫn vậy! Nhưng mà lớn hơn bao nhiêu rồi! Cao quá quá mẹ rồi! Nhìn này, cái mắt, cái mũi cái miệng chỗ nào cũng đẹp hết đó!
- Trời! Nó mới đi nước ngoài có ba tháng mẹ không gặp mà mẹ làm như nó đi ba năm ấy. Đẹp ra nhiều vậy chắc nó sang nước ngoài thẩm mỹ quá!
Bá Lâm vừa thẩy quả táo trên bàn cho vào miệng cắn vừa tiến lại chỗ bà Ánh và Minh Duy buông một câu phũ phàng. Bà Ánh cười cười đập nhẹ vào người Lâm. Dù không nhìn thấy nhưng cảm giác của bà cực nhạy bén. Lâm không né người, anh nhìn bà cười cười.
- Cái thằng trời đánh này, ăn với chả nói
- Thôi, mẹ cả. Con không chấp người ghen tị với mình đâu.
- Mày…
Minh Duy cũng cười tít mắt nhìn cái điệu bộ tức ứa máu mà chỉ biết quay sang len lén nhìn mẹ không dám quát của Bá Lâm. Mỗi lần về ngôi nhà này,gặp mẹ cả, cậu thấy hình như ai cũng là một người khác, khác lắm. Cái vẻ bất mãn, thờ ơ với cuộc đời đến không thiết sống của lão giảng viên trẻ mà quái Bá Lâm cũng mất hút. Còn Duy, cảm giác ấm áp và dịu dàng ban nãy luôn khiến anh thấy được cởi mở lòng mình hơn.
- Thôi, thôi… Ngồi vào bàn ăn đi! Hôm nay mẹ đặc biệt chuẩn bị món canh chua mà Duy nhà mình thích nhất đó.
- Đi thôi mẹ! Bị hành hạ vì cả mấy trăm đứa sinh viên từ sáng con đói đến muốn xỉu mất rồi!
- Thôi đi ông tướng! Chứ không phải ông hành hạ, quát tháo mấy đứa nhỏ đến nổi tiếng luôn à?
- Chuẩn luôn. Chỉ có mẹ hiểu anh Lâm đến từng sợi tóc. Ha ha.
- Ừ đó! Nghe nói con vừa vào lớp thằng Lâm hả? Có chuyện gì cứ về méc mẹ. Mẹ xử hòa cho.
- Trời… Mẹ…
Bá Lâm hậm hực đi sau bà Ánh còn Minh Duy thì quay lại nhìn ông anh cười tít hết cả mắt, sung sướng vì hạ đo ván lão thầy nổi tiếng sát thủ. Đảm bảo bọn sinh viên mà nhìn thấy mặt thầy Bá Lâm như cái bánh bao nhão lúc này chắc bất ngờ mà ngất mất.
Minh Duy nhìn bàn ăn không quá thịnh soạn nhưng ấm nóng và thơm lừng trước mặt bỗng thầm ghen tỵ với Bá Lâm. Phải chi anh cũng được ở cạnh mẹ, cũng được mẹ chăm sóc, quan tâm như vậy. Phải chi anh đừng ngày ngày cố nuốt trôi từng hạt cơm cho xong bữa dù trước mặt là không thiếu sơn hào hải vị. Minh Duy ngồi sà xuống bàn ngay sát bát canh chua thơm lừng đối diện Bá Lâm.
Cả nhà đang ăn uống vui vẻ. Bà Ánh đôi lúc lại kể vài ba câu chuyện phiếm khiến hai cậu con trai cười rần rật… Đột nhiên, Bá Lâm nhận ra điều gì. Anh ngó nghiêng xung quanh rồi đặt đũa xuống bát:
- Mẹ!
- Ơi! Cái thằng này! Gì mà hét toáng lên thế? Sao?
- Anh ấy hét sinh viên quen rồi ấy mà mẹ!
Bá Lâm quay sang lườm Duy Minh đang cắm cúi vừa ăn vừa cười vì đá đểu được ông anh câu nữa, rồi quay lại hỏi mẹ:
- Con xin lỗi! Nhưng mà, con quên mất. Cô Lan đâu mẹ? Cô ấy ra ngoài thăm họ hàng ạ?
- À không? Tối qua cô ấy xin nghỉ mấy hôm để về quê chăm bố chồng ốm. Sáng nay đã đi rồi!
- Gì cơ? Đi từ sáng? Vậy bữa cơm này ai nấu? Ai đi chợ? Mẹ…
Bá Lâm lại buông đũa, đứng bật dậy hét lên. Rồi anh ngồi sụp xuống cạnh bà Ánh. Tay anh luống cuồng nắm lấy tay bà, hết tay này rồi tay kia, kiểm tra kĩ càng. ...