Những chuỗi câu hỏi liên tiếp gõ bing boong vào khối óc Tâm Khiết. Cô vỗ nhẹ vào đầu, có ý đổ sạch dòng suy nghĩ vớ vẩn ra khỏ. Mọi chuyện, khi gặp lại anh, cô sẽ được rành mạch, đâu cần phải hành hạ thần trí bằng việc đoán già đoán non. Rồi cô dồn hết sự tập trung say sưa ngắm bức tranh mưa ngoài cửa sổ, trong đầu duy nhất một câu hỏi nung nấy: Cơn mưa này kiệu có kết thúc bằng một cầu vồng?
Chương 6: GIÁNG SINH TRÊN KHÔNG TRUNG
1. Bánh Mì Rỗng Ruột
Từ tuổi biết chú ý và ghi nhớ những thứ có trên màn hình tivi, tôi đã đặc biệt thích thú mùa Đông và Giáng sinh. Đặc biệt là Gíang sinh có tuyết, cây thông, ông già Noel và món gà tây nướng của trời Âu.
Năm ấy là học kỳ thứ nhất của tôi ở Đức. Và tôi đã học rất chăm chỉ ngay từ những ngày đầu tiên. Cuốn sổ tay luôn dày kín những điều cần học cần làm. Nhưng bên trong thì điềm nhiên như bên ngoài. Tâm trí tôi lúc nào cũng sùng sục: "Mùa Đông. Giang1 sinh. Tuyết." Tôi thích chí xoa xoa hai bàn tay "ếch con" của mình vào nhau khi mỗi ngày được xé đi một tờ lịch. Tháng 10. Tháng 11. Rồi tháng 12!
Tuyết. Những bông tuyết đang rơi. TUYẾT!! Suốt con đườngtừ học xá đến trường, cứ năm bảy bước, tôi lại xoay một vòng, hai tay vung trái vung phải, vung lên vung xuống múa cùng tuyết. Có vài người nhìn tôi cười nhẹ. Tôi chẳng ngượng. Chắc cũng đâu phải lần đầu họ thấy một cô gái xứ nhiệt đới phát cuồng khi gặp tuyết. Tuyết với họ là cũ rích, là kẹt xe, là nước bẩn, là ẩm ướt quần áo. Nhưng tuyết với tôi còn trinh nguyên vẻ mê hoặc.
Từ đầu tháng 12, bữa nào tôi cũng ních căng những chiếc bánh quy hình búp bê múp míp (món ăn truyền thống của giáng sinh châu Âu) và món gà tây nướng. Tối nào tôi cũng lê la trong khu chợ bán cây Noel và các vật trang trí. Tôi tậu về một cây thông bé con nhưng cá tính, với những chiếc lá khỏe khoắn xanh thẫm, đâm tua tủa tứ phương. Tôi soi mình trong các quả châu sáng láng được gắn lên cây. Tôi đắm chìm trong những món vật chất của giáng sinh. Cảm giác mê ly như được sống trong các câu chuyện cổ tích.
Nhưng mỗi ngày hào hứng lại bớt đi một chút. Đến giữa tháng thì tôi thôi ghé khu chợ giáng sinh, món gà tây cũng bị bỏ mứa trong các bữa ăn. Hơi ấm từ vật chất thì tan nhanh.
Học xá ba ngày trước giáng sinh tẻ ngắt. Tất cả bạn quen đã về với gia đình. Ngoài phố, các cửa hiệu tuy tấp nập nhưng ai cũng có đôi có cặp: cha mẹ với con cái, người yêu với nhau. Tôi không thể chen chân vào cùng họ. Ba tối liên tiếp, tôi ôm cây thông bé con của mình xuống gian sảnh chung, ngồi bên cạnh một cây Noel cao lớn lộng lẫy, đọc những cuốn tạp chí. Ba tối liên tiếp, đọc chán những cuốn tạp chí, tôi lại lặng lẽ về phòng, cảm thấy bản thân đang dần biến thành … một chiếc bánh mì rỗng ruột! Giáng sinh năm ấy, tôi đã chắc mẩm là phải chúc mừng cùng với hai cái cây.
Sáng giáng sinh, đang thơ thẩn trên một cái hành lang vô danh nào đó của học xá thì mẹ gọi điện. Giọng mẹ thì ấm. Cái điện thoại thì lạnh. Mẹ an ủi tôi đừng buồn, đừng tủi thân. Tôi ha ha vài tiếng, nói vài lời cứng rắn cho mẹ yên tâm rồi dập máy. Cảm giác đúng là thật buồn và tủi thân.
Tôi vừa đi tiếp, vừa cúi nhìn đôi bàn chân mình bước. Theo mỗi bước chân, những viên gạch như đang nở ra tứ phía. Tôi dần dần trở thành cái tâm lẻ loi giữa một vòng tròn gạch rất lớn. Trước khi để mình bị nuốt vào cái vòng gạch đó, tôi giậm chân một cái, phóng về phòng. Nhét một hộp đầy bánh quy hình búp bê và vài bộ quần áo vào valy, hôn chào cái cây Noel nhỏ xinh, rồi tôi đón taxi ra sân bay. Tôi mua vé về Việt Nam ngay chiều hôm ấy. Nếu kịp thì nhờ chênh lệch múi giờ, tôi sẽ có mặt ở nhà trước 12 giờ đêm giáng sinh. Một nửa mùa đông của tôi đã có tuyết. Một nửa còn lại sẽ có hơi ấm đoàn tụ. Giáng sinh là để về nhà.
Chương 7: Sợi Tóc Trên Chiếc Bánh.
Ngồi cạnh tôi trên máy bay là một chàng trai cao lớn, tóc vàng và mắt xanh. Một vẻ đẹp Đức điển hình. Nhưng tôi chẳng đủ sức chú ý đến anh ta quá 10 giây. Tôi còn đang bận rộn đánh vật với cú choáng cảm xúc của mình: Tôi là đã đột ngột chuyển từ thái cực lẻ loi lạnh lẽo sang vô cùng ấm cúng. Sau mười mấy tiếng nữa là tôi sẽ chật ních trong tình thương và vòng tay ôm ấp của cha mẹ. Cảm giác giống như đi ngoài nắng rồi bước vào phòng lạnh, trong vài phút nữa sẽ là dễ chịu, nhưng ngay tức thời lại mệt mỏi. Đầu óc cứ díu dít. Tôi ép sát vào lưng ghế và kéo chiếc chăn mỏng lên ngang mũi. Giấc ngủ đến ngay.
Rõ ràng tôi đã ngả lưng ghế ra để ngủ cho thoải mái. Rõ ràng là đầu tôi đã ngay ngắn trên chiếc gối tựa. Thế mà khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang quẹo cổ, gác đầu chắc chắn lên vai anh chàng ngồi bên. Tôi vừa thẹn, vừa khó hiểu. Anh ta phải ẩn đầu tôi ra chứ! Văn hóa phương Tây đâu có du di cho việc vô tư mượn vai người lạ. Tôi nhìn anh ta, cười gượng gạo một cái thay lời xin lỗi.
Chàng trai ấy tên Hayden, đang bay tới Thái Lan để đón giáng sinh nhiệt đới (chuyến bay ấy quá cảnh ở Bangkok). Một chuyến du lịch được quyết định trong tíc tắc: Sáng hôm ấy, anh rời chỗ làm và chẳng biết nên tiêu tốn những ngày nghỉ lễ như thế nào. Cha mẹ ly dị và đều có gia đình riêng, nên anh không muốn về nhà. Đã mười năm rồi Hayden đón giáng sinh một mình. Rồi trên tàu điện, anh vô tình liếc vào trang quảng cáo du lịch Thái Lan trong tờ tạp chí của một hành khách. Vậy là, sawatdee (1) Bangkok.
Một người quyết định cuộc sống bằng những hành động chóng vánh, giống hệt mình – Tôi thầm nghĩ. Anh chàng người Đức này kể về những sự kiện trong đời bằng một tràng từ ngữ thanh, gọn, vô cảm. Nhưng … hai bàn tay lớn nắm mà như bóp một cuốn sách, mắt bám chặt vào gáy sách. Ánh mắt xanh hun hút. Linh tính cho tôi biết rằng nghe đến thế thôi, cấm có hỏi anh ta cảm thấy như thế nào, hay đã làm sao để sống sót qua những mùa giáng sinh một mình.
Hayden đưa ra hai phần ăn trên máy bay:
- Tiếp viên đem tới khi tôi còn ngủ. Tôi chờ tôi dậy để cùng ăn. Đây là lần đầu tôi đón giáng sinh ở trên không.
- Giáng sinh ở trên không. – Tôi mỉm cười lặp lại lời Hayden – Giáng sinh ở trên không, tôi cũng là lần đầu.
Mỗi người được một chiếc bánh bông lan và một lon coca. Chúng tôi cụng bánh, đồng thanh nói “Merry Christmas!”.
Tôi rứt một miếng bánh cho vào miệng. Bánh bông lan lạnh nhưng mềm tan. Một kỹ thuật làm bánh hảo hạng. Nhấm một ngụm coca, tôi quay sang, thấy Hayden tần ngần mấy giây trước chiếc bánh của mình, rồi đặt nó trở lại hộp nhựa. Trên chiếc bánh có vương một sợi tóc. Một sợi tóc nâu cực ngắn, cực mảng. Giống như tóc mai – dạng tóc gần như vô hình nếu chỉ có một sợi. Sợi tóc dính vào từ người làm bánh, từ người đóng gói, từ tôi tiếp viên, hay bay ra từ đầu một hành khách, hay từ chính đầu tôi thì không biết. Chỉ biết nó đã ở đó, trêu ngươi Hayden và khiến anh từ chối chiếc bánh. Anh là sợ sợi tóc nhìn yếu ớt và vô hại đó gieo rắc mầm bệnh vào chiếc bánh? Thói quen sạch triệt để, sạch vô trùng của người nước giàu! – Tôi cười thầm.
Tôi lấy con dao nhựa cắt đôi chiếc bánh của mình, rồi đưa cho Hayden phần chưa bị rứt:
- Anh yên tâm. Tay tôi đảm bảo sạch. Con dao sạch và trước khi ăn, tôi đã kiểm tra kỹ. Trên bánh của tôi không dính một sợi tóc nào.
- Cô cũng đã nhìn thấy sợi tóc?! – Hayden đón lấy miếng bánh, giơ cao ngang mặt, xoay xoay nó để quan sát kỹ, ra chiều trêu tôi.
- Tôi luôn chú ý là có tóc trong thức ăn hay không, kể từ giáng sinh hai năm trước.
- … – Hayden bận nhai không đáp trả và ra hiệu “Cô cứ nói tiếp, tôi vẫn đang nghe đây”.
- Giáng sinh năm nào nhà tôi cũng có một buổi tiệc nhỏ. Hai năm trước, tôi bắt được một sợi tóc trong chiếc bánh kem. Tôi đã la toáng lên trước khi nhìn kỹ sợi tóc ấy. Tôi đã làm mẹ mình bối rối vô cùng trước toàn thể gia đình. Chiếc bánh ấy bà làm. Sợi tóc uốn xoăn, nhuộm đen, chân tóc bạc ấy là của mẹ.
- Tôi đoán chắc là tôi đã ước gì mình im miệng, đúng không? Nếu là tôi, tôi cũng ước thế.
- Đáng nghi ngờ đấy! – Trong bụng Tôi nghĩ “Anh ta vừa lẻm mất nửa cái bánh của mình chỉ vì bánh anh ta dính tóc đó thôi!”.
- Chiếc bánh này không phải do mẹ tôi làm. Tình thương sẽ khiến con người cư xử khác với cùng một sự việc. – Giọng Hayden quả quyết, mắt ánh lên ẩn ý “Tôi thừa biết cô đang xỏ xiên gì trong đầu đấy!”.
Bánh hết. Coca cũng hết. Hayden ngủ. Tôi không ngủ được nên mượn cuốn sách anh đang đọc. Thỉnh thoảng, khi Hayden cựa mình, tôi lại quay sang nhìn một cái. Một vẻ đẹp trai rất bắt mắt! (Có những anh chàng cũng đẹp trai nhưng không bắt mắt, nhìn vài lần là chán!) Tâm tính anh cũng có vẻ hay ho. Một món quà giáng sinh quá tốt. Tôi lấy viết định ghi tên và email mình vào một mép trang của cuốn sách. Vậy mà cuống cuồng thế nào, lại đánh rơi cây viết. Trong không gian quá hẹp, tôi chẳng thể cúi xuống nhặt, đành lấy cây chì kẻ mắt màu tím sẫm có nhũ lấp lánh ra, nắn nót địa chỉ email của mình.
Máy bay đáp xuống Bangkok. Tôi xách vội hành lý vào phòng chờ quá cảnh, trong khi Hayden còn đang ngái ngủ. Tôi nghe loáng thoáng tiếng anh sau lưng “Cô gái ơi, cô gái ơi …”. Anh chắc muốn hỏi cách liên lạc, nhưng tôi thì cứ vờ như vội vã mà đi thẳng. Tôi muốn anh ngạc nhiên tột độ khi lật cuốn sách ra. Tôi kỳ vọng một khởi đầu lạ lùng và sáng tạo.
Chương 8: 5 Năm và 2 Tháng Sau …
Chuyến bay Berlin–Hồ Chí Minh đã được nửa đường. Hayden đang ngồi trong khoang business. Anh nghe nhạc, bốn ngón tay chụp lại, gõ từng nhịp lên chiếc bàn ăn. Hayden từ chối suất ăn thịnh soạn, mà chọn hộp bánh bông lan lạnh và lon coca. Trên đùi là cuốn sách mà anh đã mang theo trong chuyến bay đến Thái Lan nhiều năm trước. Sau chuyến bay ấy, cả lúc từ Bangkok về lại Đức, anh quá chây ì, không thèm đọc hết mà vất nó chỏng chơ. Tối hôm qua, khi rà soát lại kệ sách để chắc chắn những tài liệu cần thiết cho công việc sắp tới ở Việt Nam đã được xếp vào valy, cuốn sách lại tự nhiên rơi ra. Anh tiện tay nhét luôn nó vào ngăn ngoài của túi laptop.
Cuốn sách, bánh bông lan, lon coca – Tất cả gợi anh nhớ về đêm giáng sinh trên không với một cô gái Việt Nam. Cô gái nhỏ nhắn và liến thoắng. Tiếc là anh đã không kịp hỏi tên và cách liên lạc.
Vừa ăn, Hayden vừa lật lật cuốn sách. Lật đến trang 121, anh trân trân nhìn dòng chữ viết bằng chì màu tím óng ánh nhũ “Quỳnh Nga – nga.dolly@ …”. Đúng rồi, cô gái Việt Nam ấy đã mượn anh cuốn sách.
Vừa bước vào phòng khách sạn, Hayden mở máy tính và nối mạng. Anh gửi một email cho Nga.
Cách khách sạn của Hayden hai con phố …
Nga đang online trong phòng riêng, túi bụi với một mớ deadline. Cứ nửa tiếng, cô lại kiểm tra email một lần để kịp update tiến trình dự án từ các thành viên khác. Cô có tới bốn cái email phục vụ riêng cho công việc. Và còn rất nhiều email khác được lập ra khi lên đại học, đi du học, có chỗ làm đầu tiên, thay đổi chỗ làm, được thăng chức. Cứ mỗi lần lên một level sống cao hơn, Nga lại có những email mới. Một cách để đánh dấu bước tiến của bản thân, một cách để “tạm biệt nhé những ngày xưa cũ”, một cách để tự ăn mừng. Một sở thích quái lạ đáng bị các nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử kiện, vì vắt kiệt sức lao động server của họ!...