Bốn oan hồn trong ngôi nhà hoang – p1Admin 178Truyện Ma - Kinh Dị |
Thiện hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy bốn chiếc áo dài với bốn màu khác nhau được phơi dài theo dây giăng trước sân. Không phải một lần, mà có đến ba bốn buổi sáng rồi, lần nào đi ngang qua đây Thiện cũng nhìn thấy đúng bốn chiếc áo đó. Người ta phơi cho khô hay cố tình trưng bày nó trước mắt thiên hạ?
Gợi tính tò mò, sáng hôm nay Thiện dừng lại khá lâu trước bờ rào, nhìn vào bên trong. Đây là một ngôi nhà tuy không rộng lắm, nhưng có được một khoảng
sân trồng rất nhiều hoa, được cắt tỉa công phu. Như vậy chứng tỏ gia chủ là người khéo tay, có óc thẩm mỹ và… chắc chắn đó là một phụ nữ!
- Cậu tìm ai?
Câu hỏi của một người lớn tuổi khiến Thiện giật mình quay lại, anh lúng túng trước một ông cụ trọng tuổi:
- Dạ… cháu chỉ tò mò… cháu nhìn mấy chiếc áo dài đẹp trong kia…
Sợ ông ta hiểu lầm:
- Cháu không có ý gì, chỉ bởi thấy mấy chiếc áo đẹp quá, mà lại…
- Mà lại phơi hết ngày này sang ngày khác chứ gì!
Không ngờ ông ta đọc được ý nghĩ của mình, Thiện cười bảo:
- Dạ…
Ông cụ nhanh nhẹn mở cổng:
- Mời cậu vào nhà chơi.
Hơi bất ngờ, nhưng làm sao Thiện từ chối được khi anh có dịp để hiểu thêm về ngôi nhà này, nên anh đáp một tiếng khẽ:
- Dạ.
Rồi bước theo vào trong. Thiện cứ nghĩ sẽ gặp vài người nữa trong nhà, nhưng anh hơi lạ khi nghe ông cụ bảo:
- Già ở đây một mình, nên rất cần có người để nói chuyện cho đỡ buồn. Chắc nhà cậu ở gần đây?
Thiện hỏi lại:
- Bác ở đây một mình? Nhưng sao…
- Sao lại có áo dài để phơi hả? Của con Út…
Rồi ông giải thích thêm:
- Nó không có đây, nhưng để lâu sợ bị ẩm, nên tôi đem ra phơi.
- Vậy mà cháu cứ nghĩ…
Ông già cất tiếng cười lớn:
- Cứ nghĩ trong nhà chắc là có một vài giai nhân phải không!
Thiện hơi ngượng, anh nói để chữa thẹn:
- Dạ, dẫu sao thì chủ nhân đi vắng của những chiếc áo cũng là những giai nhân!
Ông cụ nhìn Thiện với sự thích thú:
- Nói chuyện với cậu rất vui, chẳng hay cậu làm nghề gì mà ngày nào cũng đi bộ qua đây?
- Dạ… nếu nói là thất nghiệp thì cũng không sai! Bởi cháu đang nghỉ dưỡng dài hạn…
Ông già gật gù:
- Cậu chưa gì mà đã giống như tôi rồi! Nào, mình uống tách trà để nhìn bạn đồng liêu chứ!
Thấy ông vui vẻ nên Thiện cũng dạn dĩ hơn:
- Xin phép bác, cháu tò mò muốn hỏi, cô Út ở nhà đi học hay đi đâu ạ?
Hình như ông cụ đã chờ câu hỏi đó, ông đáp ngay:
- Nó đi học, nhưng lười nên ít khi chịu về thăm già này lắm. Có lẽ tại nơi này buồn quá, không thích hợp với tuổi trẻ.
Ông lại hỏi Thiện:
- Hằng ngày cậu đi bộ qua đây rồi tới đâu nữa?
- Dạ, tới ngôi nhà bỏ hoang trong cánh rừng kia.
Câu nói của Thiện vừa dứt thì bất ngờ ông cụ đứng bật dậy, mặt thất sắc:
- Cậu… cậu không được tới đó! Cậu không…
Thấy thái độ của ông, Thiện kinh ngạc:
- Kìa, bác sao vậy? Ngôi nhà ấy là thế nào?
- Nó… nó là…
Rồi trước sự ngơ ngác của Thiện, ông ta vụt chạy ra cửa và biến mất! Đứng thừ người ra một lúc, Thiện đành phải bước ra. Anh không quên khép cửa lại
Tải ảnh
cẩn thận trước khi nhắm hướng mà mỗi ngày mình vẫn tới. Tác phẩm viết dở đang cần khung cảnh tịch liêu của ngôi nhà hoang để hoàn thành…
Đi được vài mươi bước, chợt Thiện nhớ là nhà chưa khóa cửa, mà như ông cụ nói, không có ai ở nhà, lỡ trộm đạo vào nhà thì sao? Chuyện anh tới ngôi nhà hoang trễ một chút thì đâu có sao… Do vậy Thiện quay trở lại, dự tính ngồi đợi.
- Ủa, mấy chiếc áo dài?
Không thấy bốn chiếc áo phơi ở sân nữa, Thiện tắc lưỡi:
- Xong rồi, bị trộm hết rồi!
Thiện hối hận là vừa rồi mình quá hấp tấp và bây giờ biết nói sao khi ông cụ trở lại? Anh còn thừ người ra thì chợt mắt sáng lên khi nhìn thấy bốn chiếc áo đã được xếp thẳng thớm để trên bộ đi-văng!
- Ủa…?
Thiện chưa tin là thật nên bước tới sát bên nhìn kỹ. Đúng là bốn chiếc áo đã phơi ngoài dây trước sân, không sai!
- Có ai trong nhà không?
Thiện lên tiếng gọi, nhưng không ai trả lời. Thắc mắc trong đầu Thiện càng tăng khi anh nhìn kỹ hơn, trên mỗi chiếc áo dài đều có đặt một chiếc khăn tay màu trắng tinh! Hương thơm từ những chiếc khăn tỏa ra nức mũi, chứng tỏ ai đó mới vừa ở đây xong!
Sự tò mò thôi thúc nên Thiện lấy từng chiếc khăn lên xem, anh thấy trên góc từng chiếc khăn đều có thêu tên khác nhau: Mai Hương, Lan Hương, Cúc Hương, Quế Hương.
- Bốn chiếc áo của bốn cô gái!
Thiện quả quyết như vậy, bởi qua phân định mùi hương, anh nhận thấy có bốn mùi khác nhau. Vả lại cầm bốn chiếc áo lên, so từng chiếc có kích cỡ không hoàn toàn giống nhau.
- Họ là bốn chị em?
Xâu chuỗi lại những sự việc, từ sự thảng thốt của ông cụ cho đến sự xuất hiện của ai đó trong nhà này, Thiện có ngay kết luận:
- Có gì không ổn trong chuyện này!
Và không còn lo ngôi nhà đang mở cửa, Thiện bước nhanh ra ngoài, đi về phía ngôi nhà hoang.
Tới nơi, Thiện ngạc nhiên khi thấy tất cả cửa nẻo đều bị khóa từ bên ngoài, khác với sự bỏ hoang như từ mấy hôm nay anh vẫn thấy và ra vào tự nhiên.
Hiểu là ông cụ đã làm, Thiện càng thắc mắc về ông ta hơn. Anh tự hỏi: Ông ta sợ mình phát hiện điều gì trong nhà chăng?
Từ mấy hôm nay, Thiện không hề để ý gì ngôi nhà này, bởi có một việc mà thiên hạ thường quan tâm khi vào ngôi nhà hoang nào đó, đó là sợ ma! Mà đối với Thiện, anh không hề có ý niệm gì về điều ấy. Bởi nếu có thì anh đã không chọn nơi như thế này để viết văn!
Không nhìn thấy ông cụ ở đó, Thiện đoán ông ta đã trở lại nhà sau khi ngăn không cho anh vào ngôi nhà này. Anh tự nhủ: Mình sẽ có dịp trở lại nhà ông ta. Nhà của tứ mỹ nhân kia!
- Cậu Hai, có phải cậu thường tới đây ngồi ngoài gốc cây kia làm việc không? Có người gửi cậu cái này.
Người vừa hỏi vừa đưa cho Thiện cái phong bì là một cư dân ở gần đó. Thiện ngạc nhiên hỏi:
- Ai đưa cho chị?
- Một cô gái, tôi có hỏi tên nhưng cô ấy không nói. Dặn tôi phải đưa tận tay cho cậu khi cậu tới đây.
- Lâu chưa chị?
- Mới đây thôi, cô ấy vừa đi thì cậu tới.
- Nãy giờ chị có thấy một ông lão tới đây khóa cửa hay không?
Chị nọ lắc đầu bảo:
- Người khóa cửa là một cô gái, chứ không phải ông già. Chính cô này…
Thiện bóc bì thư ra, anh thấy nét chữ con gái rất đẹp, chỉ có mấy dòng: “Vào nhà người ta mà không xin phép, suýt nữa đã bị ông già bắt gặp. Lần sau chừa nhé! Chìa khóa giấu ở dưới chậu hoa phù dung bên trái cửa ra vào. Mỗi lần sử dụng xong ngôi nhà, nhớ khóa cửa lại và đặt chìa khóa vào vị trí cũ!”
Thiện đọc xong thư định hỏi thêm chị kia, nhưng khi ngẩng lên thì chẳng còn thấy chị ta đâu!
- Kỳ lạ!
Thiện bắt đầu phải suy nghĩ về những điều kỳ quặc ở đây…
Phải mất hơn một buổi, Thiện mới nhìn thấy bốn chiếc áo dài xuất hiện trên dây phơi. Điều làm cho anh ngạc nhiên nhất là không nhìn thấy người ra phơi, mà chỉ trong nháy mắt cả bốn chiếc áo đã xuất hiện. Lạ một điều nữa là từ ngày hôm qua tới giờ cả ông cụ cũng không có mặt?
Rình cả một buổi mà cũng không thấy được người nào, Thiện hơi nản, anh lần mò sang những ngôi nhà gần đó dò hỏi, nhưng hầu như ai nghe anh hỏi câu:
- Chị có biết những ai ở trong ngôi nhà bên đó không?
Thì hầu như chục người như một chỉ lắc đầu. Duy nhất có một chàng trai đáp được một câu:
- Nhà đó không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chờ gặp họ rồi hỏi.
Hình như mọi người đều muốn lảng tránh nói về ngôi nhà ấy, nên khi mặt trời sắp lặn mà vẫn chưa có kết quả gì, Thiện đành lững thững đi bộ về nhà. Vừa đi tới góc đường, chợt nghe có hai thanh niên vừa đạp xe vừa bàn tán với nhau:
- Bốn con nhỏ bữa nay hát hay hết chê luôn! Bọn chúng nó mặc bốn chiếc áo dài khác màu nhau mà hài hòa, bắt mắt dễ sợ! Nhất là con Quế Hương, nó mặc chiếc áo màu tím nhìn thấy phát mê!
Thiện giật nẩy người, anh gọi to:
- Này, hai anh!
Hai chàng trai nghe kêu thì giật mình dừng xe lại, Thiện chạy đến bên hỏi dồn:
- Hai anh vừa nói có cô Quế Hương gì đó hát ở đâu?
Nhìn Thiện, đoán anh không phải người bản xứ, nên một trong hai anh chàng nói:
- Ở Đà Lạt này mà bây giờ anh còn đi lang thang ngoài đường, không vào phòng trà nghe nhạc thì còn phí phạm nào bằng! Cô Quế Hương là ca sĩ trong ban tứ ca Hương Bốn Mùa, anh từng nghe chưa?
Thiện lẩm bẩm:
- Mai Hương, Lan Hương, Cúc Hương và Quế Hương…
Hai anh chàng cùng reo lên:
- Anh biết rồi đó, họ chính là thành viên của ban Hương Bốn Mùa đó. Tới mà nghe đi, đêm nay nghe nói họ sẽ hát riêng tặng cho ai đó mấy bài về Đà Lạt hay lắm! Tối qua tụi này xem rồi, nên bữa nay không định tới…
Họ vừa nói xong thì đạp xe đi ngay. Thiện hỏi với theo:
- Phòng trà ở đâu?
Một người cười to, nói vọng lại:
- Tới Đà Lạt mà không biết phòng trà ở đâu thì về nhà đi cha nội!
Quả thật là Thiện chưa hề đi phòng trà ca nhạc bao giờ, nên phải dò hỏi. Người chạy xe đêm chỉ rất rành rẽ:
- Ở đây có hai phòng trà, nhưng lớn và đông khách nhất là ở Palace, tôi sẽ đưa cậu tới đó!
Trên đường đi, Thiện gợi chuyện:
- Anh có bao giờ nghe nói về các ca sĩ phòng trà không?
Hình như Thiện đã khơi đúng mạch, nên anh chàng lái xe tuôn ra một hơi:
- Dân sành điệu phòng trà xứ này ai mà không mê bốn ca sĩ là chị em ruột!
- Họ là bốn cô Hương?
- Đó đó, anh biết rồi mà còn hỏi!
- Thật ra tôi cũng chỉ nghe người ta nói thôi. Anh đã từng gặp mặt họ chưa? Chắc anh cũng đã biết nhà? Giới chạy xe mà, người nổi tiếng nào mà không từng đi xe của các anh đôi lần?
Anh lái xe lắc đầu:
- Riêng bốn cô này thì khác. Chưa bao giờ họ đi xe của chúng tôi. Mà ngay cả giới vương tôn công tử xứ này cũng thế, đã có biết bao chàng trồng cây si, tối nào cũng tới phòng trà ngồi say mê nghe các nàng hát, để mong tan giờ đón đưa các nàng về nhà mà chưa một chàng nào toại nguyện!
- Chắc là đã có người làm việc đó rồi?
Anh chàng gật gù:
- Đúng là có người đưa đón!
Thiện chép miệng:
- Chắc là một đại gia giàu sụ, hay là…
Anh tài xế ngắt ngang:
- Một cụ già tuổi trên bảy chục. Ông ta lái chiếc xe hai mã lực cổ lỗ sĩ, cà tàng nhất thành phố này!
- Vậy sao các nàng chịu?
- Bởi… ông ta là bố của các cô ấy!
Thiện thở phào:
- Vậy mà tôi cứ tưởng…
- Tới nơi rồi cậu. Nếu vào nghe nhạc lát ra có đi xe thì nhớ tôi, tôi đậu ở đây chờ!
Trước khi xuống xe, Thiện còn hỏi thêm:
- Nếu ông già chạy chiếc xe hai mã lực cũ mèm thì sao xe anh bốn mã lực, không thử đuổi theo một lần xem nhà cửa các cô ấy ở đâu? Như bữa nay chẳng hạn, lát nữa anh đợi sẵn, khi các nàng ra, tôi sẽ nhờ anh bám theo nhé.
Anh tài xế lại lắc đầu:
- Có nhiều người thử làm rồi, nhưng chẳng một ai thành công! Không hiểu chiếc xe cũ mèm đó chạy bằng xăng gì, mà không xe nào theo kịp. Lão già đó lái về hướng ngã ba chùa rồi mất dạng. Đêm nào cũng thế!
Nhìn đồng hồ tay, anh chàng giục:
- Cậu vào đi kẻo lỡ mất bài “Ai lên xứ hoa đào”. Cô em Út sẽ hát trước bài đó!
- Trong số bốn cô, cô nào là Út, cô nào là chị cả?
- Cô Út là Quế Hương, cô chị cả là Mai Hương....