Cô gái nào cũng có một chiếc váy để mơ vềAdmin 421Tâm Hồn - Cuộc Sống |
Khi khoác chiếc váy ấy lên, cô gái nào cũng thấy mình như thành công chúa, với giấc mơ hạnh phúc đang gần kề, dẫu người đang đợi cô sau tấm rèm kia chẳng phải hoàng tử.
Cô gái nào cũng có một chiếc váy để mơ về. Không phải là chiếc váy hàng hiệu đắt giá đằng sau những ô cửa kính trung tâm mua sắm hoàng nhoáng, cũng không phải chiếc váy xa xỉ nào tự mình tô vẽ, mà đó là chiếc váy cưới, chiếc váy thiêng liêng và trang trọng nhất trong cuộc đời.
Chiếc váy ấy có thể không được lấp lánh bằng những chiếc đầm dạ hội của Elie Saab, có thể không gợi cảm và khiến người ta ồ lên như kiểu váy “cut-out” táo bạo mà nhiều ngôi sao gần đây hay diện. Nhưng khi khoác chiếc váy ấy lên, cô gái nào cũng thấy mình như thành công chúa, với giấc mơ hạnh phúc đang gần kề, dẫu người đang đợi cô sau tấm rèm kia chẳng phải hoàng tử.
Váy cưới. Liệu đời người có thể có mấy lần được khoác lên? Nhưng dù cho một, hai hay bao nhiêu lần đi nữa thì đâu có quan trọng? Bởi chiếc váy ấy sẽ mãi là giấc mơ của mọi cô gái, từ khi ý thức được mình rồi cũng cần lấy chồng, sinh con, hay khi trong lòng mới chớm nở một thứ tình cảm rất nhẹ nhàng với cậu bạn cùng lớp.
Tôi có cô bạn gái thích may vá, và lúc nào cũng ôm ấp viễn cảnh mình sẽ được mặc chiếc váy trắng muốt do chính tay mình làm nên, dù cho chàng trai cô ấy yêu chưa khi nào ngỏ lời về chuyện làm đám cưới.
Con gái là vậy, cứ tự mình mộng mơ, cứ tự mình hạnh phúc thôi, đôi khi cũng chẳng cần tới một sự cho phép nào cả.
Áo cưới của thời hiện đại ngày càng cầu kỳ và đắt giá. Nhưng nó vẫn chỉ đại diện cho một giấc mơ, chứ chẳng thể bảo chứng cho niềm hạnh phúc của bất kỳ ai được.
Có một cô gái yêu si mê một anh chàng hơn chín năm trời. Thế rồi cũng đến ngày cô đạt được ước nguyện là được mặc váy trắng cùng anh bước vào lễ đường. Chiếc váy của cô ấy được đặt riêng tại một nhà mốt chuyên đồ cưới tên tuổi trong nước và một lễ cưới không thua kém các ngôi sao diễn ra trong niềm mơ ước của bao nhiêu người.
Nhưng chiếc váy đắt tiền ấy, lễ cưới xa hoa ấy cũng không đảm bảo cho một kết cục viên mãn. Họ chia tay chỉ sau chưa đầy hai năm về chung một nhà.
Trong những bức ảnh đen trắng in màu thời gian ba mẹ tôi còn giữ lại, thì váy cưới của ngày tôi còn chưa ra đời đơn giản hơn nhiều. Ngày ấy, cô dâu thường mặc áo dài, chú rể diện sơ mi, quần âu thay cho chiếc váy cưới thướt tha và cả bộ suit như bây giờ. Xe đi đưa dâu cũng chỉ là xe đạp thay vì “mui trần” hay “ba khoang” như hiện tại.
Đơn giản như vậy thôi mà nhiều nhà phải chật vật lắm mới xoay sở được. Rồi nếu muốn có váy cưới, có cả bộ “vest” đúng nghĩa như cô dâu chú rể ngày nay hay mặc, nghe nói người ta sẽ phải đặt trước cả số tiền bằng với giá trị của chúng, thậm chí cả giấy tờ tùy thân và “sổ đỏ”.
Cho nên váy cưới của ngày ấy, không chỉ là ước mơ của một người thôi đâu, mà là ước mơ và sự cố gắng của cả một gia đình, cả một dòng họ, và tất nhiên, là dấu ấn thiêng liêng của thứ tình cảm đơn sơ, mộc mạc thôi nhưng bền lâu và sâu đậm.
Còn nếu muốn có váy cưới, có cả bộ “vest”, nghe nói người ta sẽ phải đặt trước cả số tiền bằng với giá trị của chúng và cả giấy tờ tùy thân và sổ đỏ.