Gem dành năm ngày để suy nghĩ thật chính xác về những điều mình muốn và những thứ mình đang làm. Rõ ràng lúc này cô muốn “tậu” một anh bạn trai làm quà sinh nhật cho mình, nhưng những gì cô làm thì không để được Anthony yêu thích thêm, mà là đẩy anh ra xa. Trò chơi của cô đã không được chuẩn bị chu đáo. Cô rất hồ hởi bắt đầu, tỉ mỉ và thông minh trong từng bước đi, nhưng chẳng có kết hoạch cho cái kết. Gem phải… Gem phải… Gem phải gặp Anthony. Cô mua một cái bánh là muốn cùng Anthony đón sinh nhật mình thêm một lần nữa. Cô đã xác định sẽ phó mặc mọi chuyện diễn biến theo như nó phải xảy ra. Một lần này, Gem sẽ không cố gắng điều khiển cuộc sống. Chuyện của cô và Anthony, hãy cứ để nó xoay chuyển tự nhiên. Có thể là một cái kết. Mà cũng có thể là một bắt đầu.
Chương 21: NGƯỜI TRONG THANG MÁY
Paris, tháng 7, năm 2001
Trong bảo tàng Louvre:
Một cô gái châu Á cao và gầy, tóc ngắn màu hạt dẻ, đeo kính gọng nhựa trắng, mặc chiếc áo len đan màu rêu non đang vờ như ngắm nghía một tác phẩm hội họa. Tay cô ôm hờ trước ngực một cuốn sổ để mở. Chốc chốc cô lại cúi xuống, di di cây viết trên cuốn sổ, rà soát tới lui danh sách câu hỏi. Cô đang đợi một nhà thiết kế mới nổi. Đây là bài phỏng vấn đầu tiên mà tạp chí thời trang cô đang cộng tác giao cho. Cô rất kỳ vọng vào cơ hội này.
Trước bức tranh bên cạnh là một gia đình ba người nói giọng Anh đặc sệt. Ông bố đang giảng giải cho cậu con trai sự tinh tế của cách phối màu sắc. Bà mẹ nhìn hai bố con, ánh mắt ấm áp. Bố mẹ đều tóc vàng mắt xanh. Cậu con tóc đen mắt đen thuần Á Đông.
Hà Nội, tháng 4, năm 2006
Trên lề đường trước cửa hàng kem Tràng Tiền:
Một cô gái vận đầm xanh da trời, đứng duyên dáng trên đôi giày cao gót đỏ đang điệu đàng nhấm từng miếng kem. Kem đậu xanh lấm tấm thành một vành quanh làn môi cam. Hơn hai giờ nữa, cô sẽ lên máy bay rời Hà Nội. Mãi cho đến những phút cuối cùng của chuyến công tác, cô mới có được chút rảnh rỗi đi tìm hương vị yêu quý ngày xưa. Ngày xưa, mỗi lần bố mẹ dắt lên Hà Nội, cô và em trai đều đòi bằng được kem Tràng Tiền. Luyến tiếc mút miếng kem cuối cùng trên que, mắt cô khẽ lướt qua nhóm thanh niên nước ngoài đang vừa ăn kem, vừa rôm rả tán chuyện. Rồi cô vẫy taxi ra sân bay.
Trong nhóm thanh niên tình nguyện quốc tế ấy có một chàng trai trẻ gốc Á. Vị kem tan trong miệng, với anh, chẳng ngon lành gì. Nhưng anh vẫn ăn đến cây thứ hai, cố gắng tìm lại cảm giác ngày xưa. Hai mươi năm trước, anh và chị mình từng hạnh phúc tột cùng mỗi khi được bố mẹ đưa lên Hà Nội chơi và mua cho que kem Tràng Tiền.
Hong Kong, một ngày tháng 11, năm 2008. Buổi chiều.
1. Judy Ruan
2:15 chiều. Sau cú điện thoại từ văn phòng thám tử, Judy ngồi thẫn thờ tại bàn làm việc. Cô chốc chốc nâng cốc cà phê lên ngang mặt, dưới tầm mắt một chút và lắc nhẹ để nhìn thứ nước nâu sẫm ấy sóng sánh. Rồi cô lại đặt cốc xuống, không nhấp ngụm nào. Cứ như vậy năm lần. Đến lần thứ sáu, khi chiếc cốc đang lửng lơ trong không khí với điểm tựa duy nhất là hai ngón tay thờ ơ móc vào quai cầm, Judy vẩy cổ tay với sức lực nhiều hơn một chút. Dòng cà phê bắn thẳng vào chiếc áo màu tím gắn một cái nơ phồng rất to chéo trước ngực.
Judy rút khăn giấy thấm khô vết cà phê rồi đứng dậy, mặc vào chiếc áo khoác giả da màu nâu và kéo túi rời khỏi phòng. Cô đến gặp sếp tuyên bố về sớm. Nguyên do: Cô không thể làm việc trong bộ cánh lấm lem thế này. Một biên tập viên hàng top của tạp chí thời trang hàng đầu Hong Kong thì không thể tự chấp nhận mình ngồi trong văn phòng với chiếc áo in trọn một vũng cà phê. Mặc một chiếc áo như thế thì cảm hứng làm việc là zero.
Ông sếp đầu trọc người Ý chưa kịp trả lời thì đôi bốt cao gót của Judy đã bước ra khỏi cửa. Ông không gọi cô lại. Tòa báo này, có ai mà không hâm. Càng hâm, họ lại càng có sức lực để sáng tạo ra tờ tạp chí mà ngàn vạn người mong ngóng mỗi tháng. Thôi thì cũng đành nuông chiều một chút cái sự hâm của họ.
Judy bước vào thang máy. Trong đó có một thanh niên. Đấy là chuyên viên mới của công ty phân tích tài chính nằm ở tầng trên tòa báo. Thỉnh thoảng cô vẫn nhìn thấy anh ta ở tầng hầm đỗ xe hay trong sảnh tòa cao ốc.
Mắt Judy trượt nhanh qua người chàng trai. Anh chàng có vẻ trẻ hơn cô vài tuổi. Sáng láng, bảnh bao, đeo một chiếc kính gọng bạch kim sang trọng và trí thức. Anh mặc áo sơmi có những sọc màu tím rất mảnh (của Versace – Judy nghĩ), quần tây ống hẹp màu xám nhạt, chất vải nhìn rất mịn (của Armani – Judy nghĩ), cà vạt bằng lụa Nhật Bản màu đu đủ chín (bệnh nghề nghiệp của Judy!). Thang máy bắt đầu trôi tuột xuống. Judy đứng hơi tựa vào một vách buồng, hai tay khoanh trước ngực, mắt xoáy vào hình ảnh chính mình phản chiếu méo mó lên chiếc cửa bóng loáng. Chàng trai đứng sát vào vách thang máy đối diện.
Tầng 28. Tầng 18. Tầng 8. Bing boong. Thang máy dừng ở tầng sảnh. Chàng trai bước ra. Trước khi cửa đóng sập, anh quay lại nhìn Judy một cái nhanh rồi đi thẳng. Cửa thang máy khép kín. Judy tiếp tục đi xuống tầng hầm đỗ xe, chẳng lấn cấn nhiều về cái nhìn của chàng trai – “Chắc anh ta thắc mắc về bãi cà phê trên áo mình.”
Judy ngồi im trong xe, chẳng buồn tra khóa vào ổ để khởi động. Mắt cô nhìn vào cái cột bê tông sơn trắng to đùng phía trước mặt. Mắt cô nhìn vào những dãy xe đủ màu trắng, đen, xám, xanh dương, xanh lá sẫm … nằm ở đằng xa hơn cái cột một chút. Tất cả mọi thứ ở cái hầm xe này, nếu trong tầm mắt thì Judy đều nhìn. Và tất cả mọi thứ đều bị hút nhanh vào một khối trống rỗng đang giãn nở trong lòng cô. Judy mặc kệ cho mình rơi tự do vào trạng thái không cảm xúc. Là trạng thái khi con người ta cam chịu rằng bản thân đã mất hết hy vọng. Phải, “hết hy vọng” – văn phòng thám tử đã nói với cô như thế.
---
Trong mắt mọi người, Judy Ruan là một cô gái Hongkong kiểu mẫu – xinh đẹp, tài năng, công việc lương cao. Một cái vỏ hoàn hảo, thành quả của những năm tháng cố gắng không ngừng để sống tốt, sống tốt hơn và sống tốt hơn nữa. Để có được những thứ khi sinh ra không phải là của mình thì phải cố gắng gấp trăm vạn lần hơn. Judy thấu điều này hơn ai hết. Bởi ngày chào đời, cô đáng lẽ sẽ sống một cuộc đời khác và đã mang một cái tên khác: Nguyễn Phương Hoa.
Nguyễn Phương Hoa sinh ở Hải Phòng. Bố là công chức và mẹ buôn bán nhỏ. Cô còn một em trai thua mình bốn tuổi. Tuổi thơ của cô có một gia đình đầm ấm, nhưng nghèo. Cái nghèo khiến người phụ nữ từng một thời xuân sắc lắm kẻ đeo đuổi như mẹ cô không chấp nhận. Bà mưu cầu một cuộc sống vật chất dư dả. Nhưng bố thì không có tham vọng đó. Vả chăng, ông cũng biết mình không có khả năng kiếm ra nhiều tiền nên đành chấp nhận đời chắt bóp. Rồi gia đình xuất hiện những mối bất hòa nho nhỏ. Những cuộc cãi vã ầm ĩ. Những tiếng chửi rủa. Những trận khóc lóc. La hét. Oán than.
Rồi mẹ cô gặp một gã đàn ông khác. Ông ta rót vào tai bà những lời nhỏ nhẹ: Cùng ông ta vượt biên sang Mỹ thì sẽ có đời khá giả. Rồi giữa bố và mẹ có những tiếng đay nghiến, những lời thách thức.
Chuyện xảy ra ngày hôm ấy, Judy còn nhớ rất rõ. Vào giờ ra chơi một sáng thứ tư, mẹ đột nhiên đến trường đón cô, tay xách theo một túi hành lý lớn. Mẹ cô vội vã gọi xe ôm đưa cả hai đến bến cảng, nơi gã nhân tình của mẹ đã chờ sẵn. Rồi cả ba lên một chiếc tàu không lớn không nhỏ. Cô lờ mờ đoán ra là mẹ đang đem theo mình bỏ trốn cùng gã đàn ông này. Vì vậy mới phải lén lút, vội vã. Cô muốn hỏi mình đang đi đâu và tại sao không có em trai theo cùng, nhưng nhìn gương mặt mẹ căng thẳng, mồ hôi đang rịn ra trên trán và quanh mép, mắt dài thườn thượt theo những tiếng thở thì hai môi cô mím chặt lại, không để âm thanh bật ra. Cô chỉ biết buồn bã nhìn những con sóng chấp chới. Những con sóng hiện lên gương mặt của bố và em.
Chương 22:
Tàu cập cảng Hong Kong. Cô chẳng có khái niệm rằng mình đã ra đến nước ngoài. Chỉ biết đây là một nơi rất lạ. Nhiều nhà cao, chữ viết rắc rối, tiếng nói thì rất nặng. Vài ngày sau, gã đàn ông kia đưa mẹ con cô đến một tiệm mì, rồi bỏ đi vệ sinh. Một tiếng. Hai tiếng. Mẹ con cô chờ suốt từ trưa đến chập tối. Đến tối đen thui. Đến bình minh hôm sau … Sau này cô nghe ngóng được rằng gã kia đã sang tàu đi Mỹ ngay hôm đó, tất nhiên là với toàn bộ tư trang của mẹ con cô.
Cô bé tám tuổi và một chuyến vượt biên nửa vời.
Nhập cư bất hợp pháp, không tiền bạc phòng thân, hai mẹ con phải trốn chui trốn nhủi, lăn lóc ở lề đường và những xó ổ chuột một thời gian dài trước khi có một chỗ ở tạm bợ, được cấp giấy phép cư trú. Để kiếm tiền, mẹ cô làm nhiều công việc nặng nề khiến hai bàn tay bàn bật móng, máu chảy xối xả, để lại những vết sẹo, vết sứt gớm ghiếc không bao giờ lành. Mẹ cô từng làm cả những công việc đến quá nửa đêm mới về nhà, mà khi về thì nồng nặc mùi rượu. Phải lớn hơn một chút thì cô mới biết mẹ đi làm tiếp viên quán rượu, một nghề bẩn tưởi.
Thời gian và sự mệt nhoài là một cục tẩy thần kỳ. Những ngày thơ ấu, cô thi thoảng vẫn bắt gặp gương mặt của bố và em trai in trên bầu trời, trên những tàng cây, trên thân chiếc xe buýt vụt qua trước mắt. Nhưng nỗi nhớ nhung bị bôi mờ dần. Đến một ngày nào đó ở tuổi thiếu niên, cô không còn để tâm đến chuyện mình có người để nhớ. Thời gian quý như tiền và cô không có xu lẻ để đánh rơi: Sáng bận học, chiều bận làm, đêm bận ngủ. Cô chẳng muốn sớt mất thời gian của những chuyện quý báu ấy, để nghĩ đến những người không gặp được.
Cô lên trung học, học giỏi, có học bổng và đi làm thêm nên cuộc sống cũng bớt khổ sở. Nhưng hậu quả của những ngày lao lực là mẹ cô lâm bệnh nặng. Vì mặc cảm tội lỗi, vì tủi thân, bà giống như là không muốn khỏi, qua đời khi cô còn chưa hết cấp ba.
Sau khi chôn mẹ, cuộc sống của cô xuất hiện những khoảng nhàn rỗi. Thời gian mà trước đây dành để chăm sóc mẹ, giờ cô dốc vào việc học và làm. Và vẫn còn dư ra được chút ít rảnh rang vào những sáng sớm và những đêm trước giấc ngủ. Dần dần vào những lúc ấy, cô thấy mình đang mường tượng về hình dáng của bố và em. Trong cô rộn lên thôi thúc tìm lại.
Tốt nghiệp cấp ba được nửa năm, cô dành dụm đủ tiền cho một chuyến về Hải Phòng. Nhưng ngay lúc ấy, cô được học bổng sang Pháp. Cơ hội này không thể bỏ lỡ. Nếu từ chối, cô có thể vĩnh viễn sẽ chẳng thoát được chuỗi ngày sống hy vọng về một tương lai tươi sáng, nhưng lại không có tự tin vào hy vọng đó. Cô một lần nữa đi xa. Nhiều năm sau, cô trở về Hong Kong, đổi một cái tên mới: Judy Ruan – chữ Ruan khi dịch ra tiếng Việt là Nguyễn.
Sau khi đã trở thành một con người mà bản thân có thể vì thế tự hào, Judy mới đi tìm người thân. Lần đầu tiên ngồi trên chuyến bay Hong Kong – Hà Nội, những giọt nước mắt cứ vô tư trượt dài trên mặt Judy. Cô mếu máo hình dung gương mặt bố ngỡ ngàng khi cô từ đằng xa chạy lại, choàng tới ôm ông. Cô nôn nao phác thảo hình ảnh em trai trong đầu – nó sẽ mang những đường nét của bố hay mẹ, có giống cô không … Nhưng kỳ vọng càng cao, hụt hẫng càng nặng: Sau khi mẹ đem cô đi, bố vì tủi nhục lao vào rượu chè, hai năm sau thì qua đời vì tai nạn xe. Em trai được gia đình người cô trong Sài Gòn nhận nuôi. Một thời gian sau, gia đình ấy vượt biên sang Mỹ, từ đấy mất tung tích....