Yasuo là một trong những vị tướng gây sát thương vật lý được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Đường giữa hiện nay xuất hiện không nhiều những vị tướng gây sát thương vật lý. Nổi bật nhất trong số này có lẽ là những cái tên như Yasuo, Zed, Talon và Jayce. Chúng ta sẽ cùng phân tích sức mạnh của những vị tướng này cũng như tìm hiểu sơ bộ về cách chơi của chúng trong loạt bài viết về các vị tướng đường giữa này. Ở phần đầu tiên chúng ta sẽ nói về Yasuo – Kẻ Bất Dung Thứ. Yasuo là một trong những vị tướng gây sát thương vật lý được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Yasuo không hoàn toàn là một sát thủ như Zed hay Talon mà cách chơi của vị tướng này thiên về những tình huống kéo rỉa máu đối phương trước khi áp sát và tung đòn dứt điểm đối thủ. Yasuo có sự cơ động cao trong cả giai đoạn đi đường và khi vào giao tranh đồng thời, anh ta có thể đem lại nhiều hiệu ứng đa dụng với Tường Gió cũng như bộ kỹ năng linh hoạt cho từng mục đích sử dụng. Nhược điểm của Yasuo là vị tướng này rất khó dùng. Bão Kiếm có tầm sử dụng khá ngắn, Tường Gió đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm trong khi Quét Kiếm cần chọn mục tiêu tốt. Đồng đội – Kẻ khắc chế Đồng đội tốt của Yasuo là tất cả những vị tướng có khả năng tạo điều kiện cho chiêu cuối của Yasuo được thi triển. Những kỹ năng hất tung như Không Thể Cản Phá của Malphite hay Lốc Xoáy của Ngộ Không là những kỹ năng trên diện rộng tốt. Một vài kỹ năng khác cũng có thể tạo điều kiện cho Trăn Trối là những kỹ năng thuộc dạng kéo, đẩy lùi,… như Bàn Tay Hỏa Tiễn của Blitzcrank hay Án Tử của Thresh. Yasuo không phải là một vị tướng quá mạnh ở giai đoạn đi đường. Yasuo rất e ngại những vị tướng có khả năng áp sát mạnh và dồn sát thương ngay lập tức hoặc những vị tướng có khả năng hồi phục mạnh. Có khá nhiều vị tướng có thể thắng đường được Yasuo như Ryze hay các đấu sĩ có nhiều sát thương như Irelia, Renekton. Chính bởi vậy, Yasuo khá khó khăn khi đi đường trên và thường được đưa ra khu vực đường giữa nhiều hơn. Bên cạnh đó, Yasuo là một vị tướng gây sát thương vật lý nên rất sợ phép Kiệt Sức Ngọc bổ trợ – Bảng bổ trợ – Phép bổ trợ Ngọc bổ trợ của Yasuo sẽ lấy tốc độ đánh và sát thương vật lý (ngọc tím lấy tốc độ đánh, ngọc đỏ lấy 8 viên sát thương vật lý, 1 viên tỉ lệ chí mạng) trong khi ngọc vàng lấy giáp và ngọc xanh lấy kháng phép. Sở dĩ lấy như vậy vì kỹ năng sát thương cao ban đầu của Yasuo là Bão Kiếm có thời gian hồi chiêu tỉ lệ với tốc độ tấn công và không được hưởng lợi từ giảm thời gian hồi chiêu thông thường. Bảng bổ trợ của Yasuo sẽ lấy theo hướng 21-9-0 với 21 điểm ở nhánh công sẽ lấy vào các ô Nộ (tăng tốc độ đánh) và Cuồng Loạn (các đòn chí mạng tăng thêm tốc độ đánh). Những điểm này sẽ bổ sung lượng sát thương rất cao cho Yasuo giúp tạo ra nhiều sát thương hơn. Có thể thay thế Nuốt Chửng bằng Lộ Nhược Điểm để tạo ra nhiều sát thương hơn. Phép bổ trợ phổ biến nhất cho Yasuo là Tốc Biến và Thiêu Đốt để gia tăng khả năng đấu tay đôi. Tuy nhiên, nếu gặp phải một tướng vật lý khác, có thể thay Thiêu Đốt bằng Kiệt Sức. Yasuo dù có một kỹ năng Bão Kiếm có thể lướt liên tục nhưng kỹ năng này lại đòi hỏi phải có mục tiêu chỉ định nên Tốc Biến là vô cùng cần thiết. Khi gặp các pháp sư, Thiêu Đốt sẽ có ích hơn còn khi gặp các sát thủ vật lý, Kiệt Sức sẽ phát huy tác dụng cao hơn. Ngoài ra, các phép bổ trợ khác đều không thực sự tốt bằng. Trang bị Trang bị thiết yếu của Yasuo là Dao Điện Statikk bởi nó cho tất cả những gì Yasuo cần từ tốc độ đánh tới tỉ lệ chí mạng và một chút sát thương phép trên diện rộng để hỗ trợ việc đẩy đường. Trang bị tiếp theo sẽ tùy theo tình hình trận đấu mà lựa chọn. Nếu thực sự xanh, hãy hướng thẳng tới Vô Cực Kiếm – trang bị sát thương mạnh nhất cho Yasuo. Trong trường hợp không có được nhiều thuận lợi, có thể lên Huyết Trượng sau đó hướng tới Gươm Của Vua Vô Danh và sau đó lên tới Cung Xanh. Trang bị phòng thủ sẽ cân nhắc giữa Giáp Thiên Thần, Khiên Băng Randuin và Giáp Tâm Linh tùy biến theo trận đấu. Bộ trang bị hoàn chỉnh cho Yasuo sẽ là: Dao Điện Statikk – Giày Cuồng Nộ/Giày Thủy Ngân – Gươm Của Vua Vô Danh – Vô Cực Kiếm – Cung Xanh – Giáp Thiên Thần/Khiên Băng Randuin/Khiên Chữ Thập Banshee. Hướng nâng kỹ năng Yasuo có cách chơi khá đa dạng khi anh ta có thể nâng tối đa chiêu Q (Bão Kiếm) hoặc chiêu E (Quét Kiếm) trước đều được. Thông thường, người chơi Yasuo sẽ nâng tối đa chiêu Bão Kiếm trước để có khả năng đẩy đường tốt hơn. Bão Kiếm được hưởng lợi từ tốc độ đánh, do đó Yasuo thường ưu tiên tốc độ đánh để có thời gian hồi của Bão Kiếm ngắn hơn. Bão Kiếm sẽ được học ở các cấp 1 (hoặc 2), 3, 5, 7, 9. Sau đó sẽ nâng tối đa Quét Kiếm (học ở các cấp 2 (hoặc 1), 8, 10, 12, 13). Chiêu cuối lấy đúng cấp độ và nâng tối đa Tường Gió sau cùng. Cách thứ 2 có thể nâng tối đa chiêu E nếu bạn muốn kéo rỉa máu đối phương liên tục bằng việc lướt qua lướt lại. Cách này chỉ phù hợp nếu đối phương là vị tướng có khả năng hồi phục kém và đánh tay đôi yếu lúc đầu. Nâng Quét Kiếm ở cấp 1 và tối đa ở cấp 9. Bão Kiếm sẽ nâng ở cấp 2 và tối đa ở cấp 13. Tường Gió lấy lần đầu ở cấp 4 và tối đa sau cùng. Cách chơi này đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm và tính toán hợp lý khoảng cách của mỗi cú lướt, do đó không khuyến khích với những người chơi chưa thành thạo Yasuo. Các cách combo Yasuo có khá nhiều cách để kết hợp các kỹ năng của mình tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau cũng như tùy thuộc vào khả năng xử lý của người chơi. Ở giai đoạn đi đường, combo kéo máu đối thủ chủ yếu là sử dụng Quét Kiếm (E) và một con lính để áp sát đối thủ và tấn công bằng Bão Kiếm cùng các đòn tấn công cơ bản. Nếu đối phương không đánh tay đôi lại thì Yasuo có thể giữ Quét Kiếm cho tới khi đối phương bỏ chạy để áp sát thêm lần nữa. Lưu ý trường hợp có rừng đối phương ở gần đó hoặc tầm bắn của trụ. Mẹo nhỏ là bạn có thể đứng sát vào bãi ma và dùng Bão Kiếm để tích điểm cộng dồn trước khi lính đối phương ra tới nơi. Kiểu combo thứ 2 là dùng Bão Kiếm lên lính trước 1 lần rồi đợi hòi chiêu dùng Bão Kiếm lần thứ 2 vào lính để có hiệu ứng lốc cho lần sử dụng tiếp theo. Sau đó áp sát theo cách ở trên bằng Quét Kiếm và lần Quét Kiếm lên tướng địch sẽ dùng kèm Bão Kiếm để khiến chúng bị hất lên. Kiểu kết hợp chiêu này ở cấp độ 6 sẽ cho hiệu quả chắc chắn hơn việc sử dụng Bão Kiếm thông thường và đợi lốc trúng đối thủ rồi mới dùng Trăn Trối. Combo này cũng rất hiệu quả nếu Yasuo có cơ hội áp sát nhiều tướng địch đứng gần nhau. Cách chơi từng giai đoạn Đầu trận Tùy theo đối thủ mà Yasuo sẽ có cách nhập cuộc và cách thi đấu khác nhau. Với những đối thủ không có khả năng chống lại khả năng áp sát của Yasuo và có độ cơ động không cao, Yasuo hoàn toàn có thể tấn công liên tục lên chúng bằng Bão Kiếm và Quét Kiếm. Nếu tướng địch đứng gần lính thì dùng Quét Kiếm vào con lính gần đó và tấn công bằng Bão Kiếm. Có thể tích trước 1 tới 2 điểm Bão Kiếm rồi mới áp sát và tấn công, như vậy sẽ gây được nhiều sát thương hơn. Sử dụng Tường Gió để chặn các kỹ năng của đối thủ nhằm trao đổi có lợi hơn. Trong trường hợp gặp đối phương có khả năng gây sát thương mạnh hơn, Yasuo nên cố gắng đánh cầm chừng và ăn lính triệt để. Chỉ nên tấn công khi có sự giúp đỡ của người đi rừng. Mục tiêu là phải cố gắng có Dao Điện càng sớm càng tốt (lí tưởng là trong khoảng phút 11 tới 13). Giữa trận Lúc này, các cuộc giao tranh sẽ diễn ra nhiều hơn và Yasuo có thể đóng vai trò là người mở giao tranh hoặc đợi đồng đội mở giao tranh trước và lao vào bằng chiêu cuối. Điều quan trọng nhất với một Yasuo là lựa chọn mục tiêu để dùng Quét Kiếm hợp lý bởi kỹ năng này không thể dùng lên cùng một mục tiêu trong 10 giây và dựng Tường Gió đúng thời điểm. Một Tường Gió tốt có thể ép góc đối phương và chặn được rất nhiều sát thương mà chúng gây ra bởi các kỹ năng định hướng. Bên cạnh đó, Yasuo sẽ cần phải cố gắng sử dụng kỹ năng lốc từ Bão Kiếm trúng càng nhiều đối phương càng tốt. Trăn Trối cũng nên được dùng ngay khi đối phương bị hất tung lên bởi các kỹ năng của đồng đội hoặc từ chính kỹ năng lốc của bản thân. Cách tốt nhất để có một chiêu cuối đẹp là dùng Bão Kiếm 2 lần trước để có kỹ năng lốc. Sau đó dùng kỹ năng Quét Kiếm lao vào giữa đội hình địch đồng thời dùng Bão Kiếm ngay lập tức. Tất cả đối phương trong phạm vi 375 sẽ bị hất tung lên và đó là thời điểm đẹp nhất để sử dụng Trăn Trối. Đội của bạn cũng hoàn toàn có thể ăn rồng sớm nếu tướng đi rừng có nhiều sát thương bởi Tường Gió sẽ đỡ được khá nhiều sát thương từ rồng. Điều này cũng áp dụng được trong các tình huống ăn Baron. Cuối trận Yasuo có lượng sát thương cực cao và khả năng sống sót tốt nhờ lớp khiên chắn từ nội tại Đạo Của Lãng Khách kết hợp với Tường Gió cũng như khả năng lướt ra vào giao tranh liên tục. Tuy nhiên, Yasuo không phải là một tướng chịu đòn nên anh ta cần phải giữ vị trí thật tốt trước khi lao vào giao tranh và gây sát thương. Trong trường hợp bạn không có được sự hỗ trợ từ các kỹ năng của đồng đội để dùng chiêu cuối, hãy kiên nhẫn đợi đối phương tung hết các kỹ năng vô hiệu hóa mạnh rồi mới lao vào và sử dụng Bão Kiếm cùng Kiếm Quét liên tục. Nếu đồng đội có một chiêu hất tung đẹp, trúng nhiều thành viên đối thủ thì đó sẽ là tiền đề không thể tốt hơn cho Trăn Trối được thực hiện. Yasuo đang là một trong những vị tướng sát thương vật lý đường giữa được ưa chuộng nhất hiện nay bởi sự cơ động cao cùng tính linh hoạt trong nhiều sơ đồ chiến thuật. Chúc các bạn thành công và hẹn gặp lại ở phần sau với một vị tướng khác. Theo Lienminh