Tranh cãi là việc luôn xảy ra trong bất kì mối quan hệ nào, bởi chẳng ai hoàn toàn đồng ý với người khác, kể cả khi đó là người mà họ yêu thương Mâu thuẫn thường bắt đầu từ vô số nguyên nhân, và thông thường sẽ được giải quyết rất nhanh sau đó. Tuy nhiên, sự tổn thương và âm ỉ chắc hẳn vẫn chưa thể nguôi ngoai ngay lập tức, nhất là sau khi nghe được những lời nói gây tổn thương từ người kia. Trong trường hợp đó bạn sẽ làm gì? Thông thường, chúng ta luôn chọn cách tha thứ và cố quên đi mâu thuẫn ấy bởi cho rằng đó cũng chỉ là một cuộc tranh luận và chẳng việc gì phải làm lớn chuyện lên cả. Và rồi trong vô thức, ta tự đeo lên mình chiếc mặt nạ “vui vẻ” như một thói quen. Nhưng rõ ràng chỉ nhiêu đó thì vẫn chưa đủ. Chúng ta chỉ đang cố che giấu vấn đề đó thật kỹ rồi tìm cách vun vén để tiếp tục sống cho qua chuyện, nhưng khi có cơ hội sẽ lại lôi nó ra để dằn vặt người kia. Khi ấy, mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn, bởi rõ ràng là chẳng ai muốn cứ bị “nhai đi nhai lại” một lỗi lầm mãi đâu. Cách duy nhất để hóa giải những vấn đề này chính là một cuộc hòa giải thật sự, nghĩa là đòi hỏi cả hai bên có một buổi nói chuyện nghiêm túc để tìm ra được cốt lõi của vấn đề. Người ta vẫn nói “gút chỗ nào thì tháo chỗ đó” mà, phải không? Cái tôi của mỗi người đều rất lớn, sẽ chẳng ai muốn thừa nhận cái sai của mình, nên điều này đòi hỏi không chỉ sự dũng cảm mà còn là sự chân thành từ hai phía cùng muốn gìn giữ và xây dựng mối quan hệ này. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thậm chí ngay cả khi bạn đã sẵn sàng cho một cuộc nói chuyện nghiêm túc thì chưa chắc người kia cũng vậy. Thật ra điều này không có nghĩa là họ không xem trọng bạn, đôi khi đó là do bản thân họ lo sợ bị tổn thương hay thậm chí phải thừa nhận lỗi sai. Sự trưởng thành về mặt cảm xúc luôn khó khăn nhưng nó hoàn toàn xứng đáng, bởi vì một mối quan hệ không chỉ được tạo dựng từ một phía. Hãy luôn nhớ rằng: “Gút chỗ nào thì tháo chỗ đó”.